Tài khoản facebook “H'Tuyết thổ cẩm Jrai" có hàng nghìn lượt người theo dõi, chính là một kênh quảng bá, giúp chị H'Tuyết ở tổ 10, Thị trấn Phú Thiện, huyện Phú thiện bán từ 70 đến 100 đơn hàng, doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Chị Tuyết cho biết, ngay tại cửa hàng treo tứ phía là máy may và váy áo thời trang từ vải thổ cẩm, chị thường livestream chia sẻ những câu chuyện cuộc sống, đôi khi vừa làm vừa hát để thu hút người xem.
Vải thổ cẩm Jrai được chị may thành các sản phẩm áo dài, váy dự đám cưới, áo ghi lê nam giới, hoặc áo váy cách điệu cho trẻ nhỏ,... theo đúng yêu cầu, mẫu mã của khách hàng. Nhờ vậy, chị tạo việc làm cho 4 thợ may, với mức lương 6 triệu đồng/tháng và mua sản phẩm thổ cẩm của các nghệ nhân ở xã Ia Sol, huyện Phú Thiện trong nhiều năm nay.
“Tôi chụp hình quay phim phát trực tiếp bằng facebook, Zalo từ đó nhiều khách hàng họ biết và tìm đến tôi. Người gửi tin nhắn, người đặt hàng. Bản thân tôi cũng tiếp nhận thông tin từ facebook, Zalo để học tập từ các chị em ở các nơi khác như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum... Tôi cũng rất cảm ơn những người đã tạo ra mạng xã hội. Nhờ có mạng xã hội giúp tôi học tập thêm để nâng cao tay nghề. Cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều người biết đến nhắn tin và đặt hàng không những khách hàng trong nước mà còn từ nước ngoài”. - Chị H'Tuyết cho biết.
Vẻ đẹp của thổ cẩm Gia Lai đã được nhà thiết kế Minh Hạnh - Giám đốc sáng tạo Công ty Việt Mốt, người đưa áo dài, tơ lụa, thổ cẩm của các vùng miền trong nước tới nhiều thị trường thế giới, quan tâm và quảng bá.
Cuối tháng 10/2023, trong chương trình nghệ thuật “Gia Lai ơi”, do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức, lần đầu tiên thổ cẩm của người Jrai, Bahnar đã được nhà thiết kế Minh Hạnh sáng tạo thành các sản phẩm thời trang độc đáo là váy, áo dài, mang chủ đề 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Ở đó, không chỉ họa tiết thổ cẩm, mà hình ảnh mang đặc trưng Tây Nguyên như nhà rông, cổ thụ soi bóng xuống dòng suối và những con thuyền độc mộc,... được kết hợp hài hòa trên chất liệu lụa, tạo thành những sản phẩm thời trang độc đáo.
“Họ dệt rất công phu, hoa văn của họ mang ý nghĩa cuộc sống, rất thú vị. Việc đầu tiên của chúng tôi là mong muốn đưa giá trị thổ cẩm tăng cao. Điều này với chúng tôi khá đơn giản, vì thay vì người đồng bào dệt bằng sợi tổng hợp chúng tôi cố gắng nối kết để dệt ra những tấm thổ cẩm bằng tơ lụa. Đó là cách làm cho giá trị của thổ cẩm tăng cao”. - Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh cho biết.
Tỉnh Gia Lai hiện đang triển khai nhiều chuỗi các hoạt động nhằm khôi phục, bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, bảo tồn bền vững được xác định gắn với việc khai thác giá trị văn hóa, thương mại, giúp người dệt có thể phát triển kinh tế.
“Chúng tôi mong muốn tôn vinh các nghệ nhân, truyền lửa cho các bạn trẻ để gìn giữ nghề truyền thống, gắn với sáng tạo. Thứ hai chúng tôi mong muốn quảng bá, để các nhà nghiên cứu văn hóa, những nhà sáng tạo, nhà thiết kế thời trang để biến thổ cẩm thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai". - Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết.
Viết bình luận