Vùng cao Khánh Sơn, miền núi tỉnh Khánh Hòa bước vào tháng 12 rộn rã niềm vui khi quả sầu riêng được mùa, được giá. Các già làng cũng bán được nhiều cây đàn Chapi, gùi, thúng… do mình làm ra. Trước đây, những sản phẩm này, các già làng chủ yếu làm để dùng hay bán cho bà con trong làng nay được bán cho du khách đưa đến nhiều miền xa. Đây là những du khách lên Khánh Sơn vui chơi, nghỉ dưỡng mùa trái chín. Những năm trước, đan lát trong cộng đồng người Raglay có nguy cơ mai một, huyện Khánh Sơn đã mở nhiều lớp truyền dạy đan lát, làm nhạc cụ. Các già làng có đôi tay khéo léo, kỹ thuật đan lát lành nghề được UBND huyện mời về thị trấn hay đến trụ sở UBND xã để truyền dạy nghề cho các bạn trẻ theo cách “cầm tay, chỉ việc”.
Già làng Mấu Hồng Niệm, 64 tuổi, thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Đan gùi là nghề thủ công truyền thống của người Raglay được ông, bà truyền lại để mang lúa, mang bắp. Mình cần phải giữ gìn, nếu đan liên tục mất hết 1 tuần, làm việc khác tranh thủ đan thì mất hơn một tuần được 1 cái. Mình truyền dạy cho con, cháu trong làng đan gùi. Giữ gìn nghề này là cần thiết khỏi mai một, nếu không thì sau này cần không có để đi rừng, đi rẫy”.
Thời gian vừa qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương tại tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ năm 2022 đến năm 2024, các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã tổ chức các lớp truyền dạy nghi lễ văn hoá dân tộc Raglai; phục dựng Lễ Ăn mừng lúa mới của dân tộc Raglai; hỗ trợ xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian các dân tộc Raglai tại thôn, bản; đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc Raglai. Nghệ nhân Cao Văn Minh, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, định kỳ 2 năm 1 lần, huyện Khánh Vĩnh tổ chức giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số; qua đó, tái hiện nghi lễ, lễ hội của các dân tộc thiểu số.
“Chúng tôi mong rằng bà con dân tộc Raglay khắp nơi không bỏ được lễ ăn mừng lúa mới này. Chúng tôi phục dựng để tuyên truyền cho con, cháu để con cháu hiểu rõ, giữ gìn văn hóa dân tộc”, ông Minh nói.
Thông qua đội ngũ già làng, những người có uy tín tại cộng đồng, đến nay, văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại miền núi tỉnh Khánh Hòa dần được phục hồi. Không chỉ bảo tồn, nhiều già làng còn có những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, tham gia chương trình “mỗi xã, một sản phẩm”. Tiêu biểu như Già làng Cao Thị Xiêng, ở thôn Suối Lách, xã Khánh Trung. Bà là Đội trưởng Đội văn nghệ, người truyền dạy đánh cồng, chiêng cho các thế hệ con cháu trong xã. Đội văn nghệ này tập dượt thường xuyên, tham gia biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh Khánh Hòa. Theo ông Nguyễn Ngọc Hoa, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, với văn hóa ẩm thực, bà đã làm ra sản phẩm OCOP rượu cần Ama Khâu.
“Đồng bào người Raglay tại địa phương sinh hoạt theo cộng đồng. Mô hình làm ăn, các hoạt động của bà Cao Thị Siêng cần phải tiếp tục phát huy và có sự lan tỏa trong các nhóm, các tổ. Qua đó, mới nhân rộng được mô hình, cơ sự lan tỏa giữ gìn văn hóa dân tộc, làm ăn kinh tế, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững”, ông Hoa nói.
Sau quá trình chuyển đổi, thế mạnh nông nghiệp tại vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa đã được phát huy hữu hiệu. Các địa phương vùng này tiếp tục kêu gọi đầu tư, tăng dần tỷ trọng dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế. Và thông qua đội ngũ già làng, người có uy tín, các địa phương này tập trung giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát huy lợi thế văn hóa bản địa trong phát triển du lịch.
Viết bình luận