Làng Kon Sơl Lal có nhà rông mới
Thứ ba, 00:00, 06/02/2018
VOV4.VN - Sau 2 năm nhà rông cũ bị cháy rụi, người dân làng Kon Sơ Lal đã đồng lòng xây dựng một ngôi nhà rông mới mang những nét đặc trưng kiến trúc cổ của nhà rông Ba Na. Một lần nữa người làng Kon Sơ Lal cho thấy lại sức mạnh cộng đồng, tình đoàn kết.

 

Người dân Kon Sơ Lal lúc nào cũng nhớ về ngôi nhà rông cũ, với những nét kiến trúc đặc trưng thể hiện sức mạnh cộng đồng và sự giàu có của dân làng. Có điều kiện, già làng Sôn phân công già trẻ, gái trai phải chuẩn bị đầy đủ gỗ, lạt, tre, nứa, cỏ tranh để làm nhà rông.

Gỗ được lấy về được ngâm kỹ đủ 2 năm dưới hồ để chống mối mọt. Tranh phải được phơi khô dưới nắng để giữ được màu sáng, dẻo. Dây mây và lạt được luộc kỹ để đảm bảo độ dẻo. Mỗi tuần, dân làng chỉ làm 3 ngày, để không ảnh hưởng tới việc sản xuất. Trong những ngày làm nhà rông, mỗi nhà phải cử ra ít nhất 2 người. Dân làng Kon Sơ Lal quy ước với nhau như thế, nhưng ai ai cũng muốn góp sức. Bởi đây là căn nhà của mình, mình có chăm chỉ thì nhà mới vững chãi.

Gìa làng Sôn nói: “Nhà rông này cần nhiều gỗ, nên tôi phân công đàn ông lấy gỗ và lấy thêm 5 dây le, 2 chục dây mây, đàn bà 10 bó tranh. Một tuần chúng tôi làm 3 ngày, phân công tổ trưởng và lập danh sách người trong tổ để quản lý cho dễ. Cả làng cứ làm như vậy khoảng 1 tháng rưỡi là xong nhà rông".

Nhà Rông Kon Sơ Lal là sản phẩm của tình đoàn kết

Nhà Rông Kon Sơ Lal được làm hoàn toàn từ các vật liệu thiên nhiên

Nhà Rông Kon Sơ Lal được làm theo kiến trúc truyền thống

Nhà Rông Kon Sơ Lal đcó diện tích lớn nhất Gia Lai hiện nay

Sau gần 2 năm chuẩn bị, tháng 4/2017, với bản vẽ được phác thảo từ trí nhớ của già Sôn, ngôi nhà rông được khởi công với chiều dài 23 mét, rộng hơn 12 mét và cao tới 20 mét. Sàn nhà cách mặt đất 2 mét. Với diện tích như vậy, ngôi nhà này có sức chứa hàng trăm ghè rượu và khoảng 600 người.

Ở Tây Nguyên, khó có thể tìm ra được một ngôi nhà rông nào lớn hơn nhà rông của làng Kon Sơ Lal hiện tại. 12 chiếc cột to bằng 2 người ôm là gỗ bình linh không bao giờ bị mối mọt. Sàn nhà được lót bằng ván đã ngâm 2 năm dưới hồ.

Nhà rông Kon Sơl Lal, cũng như bao ngôi nhà rông truyền thống khác, không có vì kèo, chỉ có khung 4 vách xung quanh và 2 mái nhà được dựng gần như thẳng đứng, thể hiện sức mạnh của người Ba Na trước thiên nhiên khắc nghiệt. Với kết cấu như vậy, nhà rông ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè và là nơi níu giữ tình đoàn kết, keo sơn của cộng đồng.

Anh Hyum cho biết, sau mỗi công đoạn quan trọng, dân làng lại mổ trâu, mổ bò để ăn mừng sự bình an và chúc mừng thành quả của chính mình: “Trong lúc làm nhà rông, có nhiều công đoạn nguy hiểm, đặc biệt là lúc lợp tranh, ghép gỗ. Mỗi khi làm xong công đoạn nguy hiểm, dân làng lại cùng nhau ăn mừng, uống rượu ghè, đánh cồng chiêng chúc cho mọi người được bình yên”.

Với người Ba Na, nhà rông là công trình quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần vì đây là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng nhất, đồng thời là biểu tượng của sức mạnh, tình đoàn kết của dân làng. Trước đây, nhà rông là nơi tập trung vũ khí và thanh niên làng ngủ lại hàng đêm để sẵn sàng ứng chiến nếu có sự xâm nhập của cộng đồng khác.

Ngày nay, dù tập tục này ở nhiều nơi đã bị xóa bỏ cùng sự ra đời của nhà rông với tường xây, mái tôn. Thế nhưng, thanh niên Kon Sơ Lal vẫn giữ nếp truyền thống này. 

Ông Y Giãih, cán bộ văn hóa xã Hà Đông, cho biết: “Người Ba Na chúng tôi tổ chức những lễ hội tại nhà rông. Vì thế, làng không thể không có nhà rông. Để làm được nhà rông này, người dân làng Kon Sơ Lal đã phải họp nhau lại, đại đa số không thích làm nhà rông mái tôn, tường xây mà nhất thiết phải làm nhà rông trụ gỗ như ngày xưa. Vì thế, già làng cùng người dân chung sức làm nhà rông này để sum họp, vui vầy hơn. Nhà rông này là nhà rông của tình đoàn kết”.

Tết này, gần 600 hộ dân Ba Na tại Kon Sơ Lal (xã Hà Đông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), vui mừng bên từng ghè rượu, với mỗi nhịp xoang dưới mái nhà rông sừng sững giữa núi rừng, để cầu mong một năm mới bình an, no đủ cho dân làng. 


 

 

 

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC