Trong ngôi nhà sàn của ông Y Thiên Cil, dân tộc Mnông, ở buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, điệu chưng bor nhịp nhàng, hòa cùng lời thầy cúng lúc trầm lúc bổng, mời gọi các thần linh về dự lễ.
Hôm nay, gia đình ông Y Thiên Cil làm lễ kết nghĩa anh em với gia đình ông Y Nam Pan Ting ở cùng buôn. Đây là đôi bạn thân thiết, quen biết nhau đã lâu. Vì muốn gắn kết quan hệ thân quen thành máu mủ họ hàng, họ đã thống nhất cùng làm lễ kết nghĩa.
Thầy cúng làm lễ cho 2 cặp vợ chồng được kết nghĩa.
Lễ vật đã được chuẩn bị sẵn gồm thịt heo, xôi, chuối chín, trứng gà, một con gà sống, 2 vòng đồng, 2 chuỗi hạt cườm. Các lễ vật được đặt phía trước mặt vợ chồng 2 người tổ chức kết nghĩa. Chủ trì thực hiện nghi lễ là già làng Y Krai Cil. Ông đứng quay mặt về hướng đông, đối diện với 2 gia đình được kết nghĩa và bắt đầu thực hiện các nghi thức trong tiếng chiêng rộn ràng.
Già làng Y Krai Cil nói: Hôm nay, 2 anh em tổ chức kết nghĩa thành anh em. Họ đã có mối quan hệ quen biết với nhau từ trước đến giờ. Tôi đứng ra làm lễ cúng để cầu mong sức khỏe, cầu cho 2 anh em thân thiết như anh em ruột thịt. Sau này, dù có gặp khó khăn hoạn nạn thì họ vẫn luôn bên nhau, không bỏ rơi nhau.
Thầy cúng cài lông gà, đeo vòng đồng, chuỗi hạt cườm cho những người được kết nghĩa.
Nghi lễ được thực hiện qua 5 bước, với 2 nghi thức chính là cúng sức khỏe, báo với thần linh về sự kết giao giữa 2 gia đình và nghi thức ăn bữa cơm cộng cảm giữa 2 gia đình được kết nghĩa.
Đầu tiên, thầy cúng lấy con gà trống còn sống đặt lên phía trên ché rượu cần, nhúng chân gà vào ché rượu và quẹt lên trán 2 cặp vợ chồng 7 lần, vừa quẹt vừa đọc lời khấn mời các thần và tổ tiên về chứng kiến, phù hộ hai gia đình kết nghĩa anh em.
Tiếp đó, thầy cúng nhổ 8 cọng lông ở phần cánh gà tiếp tục làm lễ cho từng người rồi cài lên tai 2 người đàn ông và cài lên tóc 2 người vợ của họ. Dùng vòng đồng lần lượt đeo vào tay 2 anh em và đeo 2 chuỗi hạt cườm vào cổ vợ của họ. Đây là những vật chứng mang ý nghĩa cho sự bảo vệ của thần linh, cầu chúc sức khỏe, gắn kết bền chặt giữa 2 gia đình.
Nghi lễ tiếp tục với nghi thức ăn bữa cơm cộng cảm. Thầy cúng lấy rượu cần vào 4 cái ly, đưa cho 2 cặp vợ chồng kết nghĩa khoát tay nhau uống cạn. Tiếp đó, ông lấy lễ vật là các chén đựng xôi, thịt, trứng gà và chuối đã chuẩn bị sẵn, đưa cho 2 gia đình được làm lễ, để họ cùng ăn và đút cho người anh em của mình ăn. Đây là sự đánh dấu cho sự gắn kết tình thân, sự chia ngọt sẻ bùi giữa 2 anh em, 2 gia đình.
Trong suốt nghi lễ, nhịp chưng bor vang lên rộn ràng, các chàng trai cô gái múa bài múa chúc mừng và chứng kiến sự kết giao giữa 2 gia đình. Từ đây, họ chính thức trở thành người một nhà, thân thiết như ruột thịt.
Ông Y Nam Pan Ting, người anh em kết nghĩa với gia chủ, chia sẻ: Đã kết nghĩa là thành như là anh em ruột, anh em cùng dòng họ thân thiết. Đã kết nghĩa xong rồi là sau này giữa gia đình tôi với gia đình người bạn tôi là Y Thiên cũng sẽ gắn bó với nhau, thường xuyên giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Kết thúc lễ kết nghĩa, mọi người tham dự cùng uống rượu cần, nhảy múa, trò chuyện và cùng chúc phúc cho những người được kết nghĩa luôn đoàn kết, gắn bó.
Kết thúc nghi lễ, mọi người thưởng thức rượu cần, nhảy múa, đánh chiêng chia vui cùng gia đình.
Tham dự lễ kết nghĩa, chứng kiến các nghi thức được thực hiện và hân hoan nhảy múa chúc mừng gia chủ, chị H Lang Cil, ở buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk phấn khởi cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự lễ kết nghĩa, tôi cảm thấy buổi lễ rất quan trọng đối với dân tộc của mình. Là một người trẻ, tôi thấy mình có trách nhiệm phải phát huy, lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ sau để các thế hệ sau này biết về tập quán, phong tục của người Mnông.
Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, lễ kết nghĩa anh em là một nghi lễ đã có từ lâu đời, được người Mnông ở Đắk Lắk gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nếu như người Êđê chỉ kết nghĩa anh em giữa những người cùng dòng họ hoặc các nhánh họ gần với nhau thì người Mnông lại kết nghĩa anh em giữa những dòng họ không có mối quan hệ huyết thống, không cùng dòng tộc, gia phả, họ hàng, không phải là sui gia, thông gia.
Việc kết nghĩa này hoàn toàn tự nguyện, vô tư, không bị ép buộc và là một nét đẹp trong văn hóa của người Mnông, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa mọi người dân trong cộng đồng, buôn làng./.
H Xíu/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận