Đám cưới người Dao đỏ ở Lục Yên
Thứ năm, 00:00, 29/03/2018
VOV4.VN - Lễ cưới của người Dao đỏ chứa đựng nhiều giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, tinh thần. Đồng bào Dao đỏ tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc của mình. Nghi thức trong lễ cưới của đồng bào được duy trì theo đúng phong tục đến tận ngày nay.

 

Lễ cưới chủ yếu diễn ra ở nhà trai. Nhà gái chỉ tổ chức một bữa ăn đơn giản mời họ hàng rồi cùng đưa cô dâu về nhà chồng

Trước lễ cưới, chủ nhà sẽ chuẩn bị lợn nguyên con, cơm, rượu, bạc trắng, gạo, hoa quả...để cúng tổ tiên

Sau đó, các con cháu sẽ cùng dâng lễ tổ tiên, người đã khuất trong khoảng 10 phút, mong muốn tổ tiên phù hộ cho đám cưới được diễn ra thuận lợi

Tiếp sau lễ cúng cơm là lễ treo câu đối. Lúc này kèn trống mới được nổi lên. Các câu đối được viết bằng chữ nôm Dao, gắn trên vải hoa, với nhiều ý hay, do họ hàng nhà trai tặng

Trong văn hoá cưới xin của người Dao, nhà trai không đón dâu từ nhà gái, mà sẽ đón khi đoàn đưa dâu của nhà gái cách nhà trai vài trăm mét

Một điều bắt buộc của người Dao khi cưới nhau là phải xem sách tử vi, nếu tuổi đôi trai gái có xung khắc thì phải làm lễ hoá giải trước khi chính thức thành vợ chồng

Cô dâu Triệu Thị Mến ngồi đợi thầy cúng làm lễ hoá giải xung khắc tại lán dựng tạm ven đường trước khi về nhà chồng

Kết thúc phần lễ hoá giải xung khắc, lều tạm sẽ được đốt đi và đoàn nhà gái đưa dâu về nhà trai

Khi còn cách nhà trai vài chục mét, đoàn đưa dâu sẽ dừng lại "đống nhác" (đội mũ truyền thống) cho cô dâu

Những người có kinh nghiệm sẽ là người chỉnh trang và đội mũ truyền thống cho cô dâu

Lúc này, nhà trai nổi kèn trống ra cửa chờ. Khi thấy đoàn nhà gái đã xong phần đống nhác cho cô dâu, họ sẽ xuất phát đi đón 

Cô dâu về nhà chồng luôn có nhiều chị em che chở, có người che ô, người dẫn đường

Trong ngày trọng đại này, hầu hết phụ nữ Dao đỏ ở Tân Phượng đều diện trang phục truyền thống đến dự lễ cưới. Tất cả  trang phục đều được thêu hoa văn nổi bật màu đỏ trên nền vải đen

Trang phục của cô dâu Dao đỏ là đỉnh mũ cắm hoa bạc; khăn cuốn đầu thêu cỏ cây, hình quả trám nối tiếp nhau, viền khăn đính các sợi len màu vàng, đỏ; tay áo, váy áo cũng được thêu nhiều hoạ tiết với màu đỏ, xanh, vàng là chủ yếu

Trang phục các chị em khác là áo dài truyền thống, yếm ngực đính bạc trắng, vòng bạc đeo cổ, khăn quấn đầu, dây lưng vải đỏ... Tất cả đều được thêu hoa văn nổi bật màu đỏ trên nền vải đen

Trước cửa nhà chồng, đoàn Chì cha (nhà gái) sẽ tụ lại cho đội kèn trống đi vòng quanh, rồi hình số 8. Với ý nghĩa cho đôi vợ chồng mãi hạnh phúc, tình hai họ vững bền

Sau đó cô dâu sẽ được đưa đến đứng ngoài cửa ở gian giữa, hướng mặt ra ngoài chờ thầy cúng làm lễ và đợi thời khắc tốt đẹp để bước vào nhà trai

Cô dâu đứng trước cửa nhà chờ thầy cúng làm một số thủ tục theo nghi thức truyền thống

Đoàn nhà gái ngồi thành hai hàng bên ngoài hiên đợi. Lúc này, nhà trai sẽ mời chè, rượu, thuốc và bê những chậu nước ấm ra cho từng người lau mặt, rửa chân tay để tỏ lòng thành

Khi thời khắc tốt đẹp đã đến, cô dâu vào nhà và được dẫn thẳng vào buồng, đoàn đưa dâu sẽ chia ra nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên để chờ làm lễ Pái Tòng, tức Bái đường

Hai họ chuẩn bị cho chú rể Trịnh Thừa Sang và cô dâu Triệu Thị Mến làm lễ bái đường (Pái Tòng) 

Sau lễ bái đường, thầy cúng sẽ lấy 2 chén rượu từ bàn thờ cầm chéo tay, bước chéo chân xuống cho cô dâu, chú rể uống vài giọt, vi ý nghĩa cho đôi vợ chồng trẻ mãi gắn kết

Tất cả các nghi lễ đều diễn ra trong tiếng nhạc của kèn, trống, chiêng và chũm choẹ

Trong lúc cô dâu, chú rể làm lễ bái đường, bà con trong xóm sẽ giúp nhà trai chuẩn bị mâm cỗ

Kết thúc Pái Tòng, cô dâu Triệu Thị Mến và chú rể Trịnh Thừa Sang mới được tháo khăn, mũ ra để lộ mặt trước họ hàng hai bên, khách mời. Sau đó, họ hàng nội tộc hai bên cùng liên hoan tại nhà trai. Trong bữa liên hoan này, mỗi mâm nhà gái, nhà trai sẽ cử 1 người ngồi cùng để lau bát đũa, gắp thức ăn cho

Sau khi liên hoan tiệc cưới, đại diện hai họ sẽ cùng đứng ở gian giữa, phía trước bàn thờ, để nói lời cảm ơn nhau và đoàn nhà gái xin phép đi về

Đoàn nhà gái về, đoàn nhà trai sẽ nổi kèn trống đưa như lúc đón vào nhà. Hai bên đường đi ra có hai hàng người nhà trai cầm bát rượu tiễn

Việc mời rượu thể hiện sự trân trọng dành cho nhà gái, chứ không bắt ép phải uống

 

 

 

 

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC