Một nét văn hóa của đồng bào Thái Trắng Mường Lay, Điện Biên
Thứ năm, 00:00, 26/09/2019 Thu Ha Thu Ha
VOV4.VN - Những nếp nhà sàn truyền thống lợp bằng đá Granite nằm san sát, soi bóng xuống lòng hồ thủy điện Sơn La là một nét đẹp văn hóa, nét đẹp kiến trúc truyền thống được cộng đồng người Thái Trắng tại Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên giữ gìn và bảo tồn từ bao đời nay.

Mường Lay (tỉnh Điện Biên) là thị xã có diện tích bé nhất cả nước với địa giới hành chính gồm 2 phường, 1 xã, nằm gọn trong một thung lũng dài, hẹp, ngã ba giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Nơi đây từ lâu được coi là thủ phủ, trung tâm văn hóa của người Thái trắng Điện Biên.

Giữa năm 2010, hàng nghìn hộ dân nơi đây đã hoàn thành xong cuộc di dân cuối cùng, nhường đất ở cũ cho Thủy điện Sơn La. Công cuộc kiến thiết lại thị xã từ đây cũng nhanh chóng được hoàn thành.

Cùng với những công trình hiện đại của nhà nước, những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái Trắng được xây dựng lại, nhưng vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc cổ xưa, tạo nên những dãy “phố nhà sàn” tựa lưng vào núi, in bóng xuống lòng hồ thủy điện Sơn La.

Khi bình minh lên, những mái nhà sàn lợp đá đen ẩn hiện trong làn sương sớm, khiến “thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi” lại hiện lên đẹp như tranh thủy mặc.

( Những mái nhà sàn lợp đá đen ẩn hiện trong làn sương sớm, đẹp như tranh thủy mặc- Ảnh: VOV)

Ông Sìn Văn Tăn, 62 tuổi, người dân thị xã Mường Lay cho biết, việc sử dụng đá Granite lợp mái nhà sàn có nguồn gốc từ thời vua Thái - Đèo Văn Long. Vào khoảng cuối thế kỷ 19, khi được sự hỗ trợ của Pháp, Đèo Văn Long lên nắm quyền cai trị thay cha, ra sức vơ vét của cải, buôn bán thuốc phiện, lâm thổ sản, hàng hoá, tổ chức những đoàn thuyền lớn lấy sông Đà làm tuyến giao thông chính giao thương với vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành người giàu có nhất vùng.

Để có đá sử dụng lợp mái cho khu dinh thự hai tầng, sàn làm bằng gỗ, tường xây gạch đỏ trên diện tích hơn 1 héc ta, Đèo Văn Long đã bắt trai tráng, thanh niên trong vùng đi dọc bờ sông Đà, sông Nậm Na tìm những mỏ đá để khai thác. Từ đó nghề khai thác đá đen và việc sử dụng đá đen để lợp nhà trở nên phổ biến vì những ưu điểm bền, đẹp của đá Granite.

Nhà sàn lợp đá đen được xem là một trong những công trình kiến trúc văn hóa độc đáo của người Thái Trắng Mường Lay. Những phiến đá trước khi sử dụng lợp mái sẽ được cắt thành hình vuông, theo một kích thước nhất định, thường là 20x20cm, hoặc 30x30cm. Hai đỉnh hình vuông chéo nhau phải cắt đi để có thể ghép mí lên nhau, một đỉnh được đục lỗ nhỏ.

Khi lợp, người ta sẽ xuyên thép qua lỗ rồi buộc vào xà. Để lợp đủ mái cho một ngôi nhà sàn gỗ 5 gian như vậy, sẽ phải cần đến ít nhất 4.000 viên đá xếp chéo, so le nhau như hình vảy cá.

Ngoài việc tính toán kỹ lưỡng để tránh các yếu tố về thời tiết và tạo tính thẩm mỹ, thì xếp đá như vậy cũng bắt nguồn từ cuộc sống gắn liền với sông nước của người dân nơi đây. Theo ý nghĩa tâm linh, nó còn tượng trưng cho vị thần cá, che chở và mang lại sự no ấm. Qua nhiều đời, cách lợp mái này vẫn được người Thái Trắng nơi đây gìn giữ và trở thành nét văn hóa đặc trưng khác biệt với văn hóa Thái ở các vùng miền khác.

(Nhà đá đen trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Thái ở Mường Lay- Ảnh: VOV)

Ngoài những ưu điểm tự nhiên như cách nhiệt, bền đẹp theo thời gian, việc sử dụng đá đen để lợp mái còn thể hiện tinh hoa trong nghệ thuật kiến trúc của cộng đồng dân tộc Thái Trắng nơi đây, lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa truyền thống, tiêu biểu của dân tộc Thái trắng Mường Lay./.

 

Vũ Lợi/VOV Tây Bắc

Thu Ha

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC