Mùa Xuân vang tiếng cồng chiêng dưới mái nhà Rông truyền thống
Thứ ba, 12:46, 30/01/2024 Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Nhà Rông là một biểu tượng linh liêng, độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên. Để nhà Rông truyền thống mãi trường tồn cùng thời gian, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương còn có vai trò rất quan trọng của các nghệ nhân trong cộng đồng.

 

Đối với người Xơ Đăng ở Kon Tum, mùa khô Tây Nguyên cũng là mùa diễn ra những lễ hội quan trọng của cộng đồng.

Già A Thiu, 70 tuổi, một trong 4 người già của làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy còn nắm giữ nhiều bí quyết trao truyền từ ông cha về thi công, dựng nhà Rông truyền thống của người Hà Lăng - một nhánh của dân tộc Xơ Đăng. Chỉ tay lên mái nhà Rông của làng, ông khẳng định, không có mái nhà Rông truyền thống tất cả các lễ hội của làng đều kém vui.

Bởi vậy kể từ khi nhà Rông truyền thống của làng được phục dựng, khánh thành ngay trước Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, niềm vui trong lòng mỗi người dân làng Đăk Đe cứ nối dài mãi. Không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng, mái nhà Rông này còn là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và biểu thị sức mạnh của cộng đồng.

“Xây dựng nhà rông để bảo tồn văn hóa đặc sắc của dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và dân tộc Hà Lăng của chúng tôi nói riêng. Có sự đồng tình, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước hỗ trợ bằng tinh thần và vật chất để tạo khí thế phấn khởi. Hơn nữa, sự đồng tình của bà con thôn làng được đóng góp một phần nhỏ bé về vật chất, đặc biệt là tinh thần từ việc nhỏ đến việc lớn để trở thành một Nhà Rông khang trang như thế này”. - Già A Thiu tự hào nói.

Để phục dựng được nhà Rông đúng truyền thống của người Xơ Đăng nhánh Hà Lăng, 204 hộ dân với trên 880 nhân khẩu làng Đăk Đe phải nhiều lần họp bàn.

Công trình có sự hỗ trợ gần 100 triệu đồng từ Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện. Cán bộ Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum cũng tích cực hỗ trợ người dân về hình ảnh; tri thức kiến trúc dân gian; hệ thống phần Lễ và phần Hội trong sự kiện “Mừng Nhà rông mới” của cộng đồng…

Cùng với đó, bà con nhân dân cùng quyết tâm, đoàn kết nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm những vật liệu truyền thống, như: gỗ, tranh, tre, nứa… tìm lại họa tiết trang trí, cách thức dựng nhà Rông truyền thống của ông cha vốn đã bị mai một theo thời gian. 

Nhờ huy động được trí tuệ tập thể, sau hơn 2 tháng thi công, dân làng Đăk Đe đã phục dựng được nhà Rông truyền thống của dân tộc mình. Để phục dựng được nhà Rông có chiều cao gần 13m, dài 9,4m và rộng 5m cùng với gần 100 triệu đồng hỗ trợ từ Dự án 6, dân làng Đăk Đe còn tự nguyện đóng góp từ 200 nghìn đồng trở lên cùng hàng trăm công lao động.

Cùng với ý nghĩa bảo tồn, việc phục dựng được nhà Rông truyền thống của người Hà Lăng còn có ý nghĩa lớn hơn là kết nối được các thế hệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngay trong cuộc sống thường ngày của người dân.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum, cho biết: “Trong làng, những người am hiểu người ta rất ủng hộ nhưng lớp thanh niên lại chưa được dẫn dắt đi theo. Qua việc huy động sức mạnh của cộng đồng để phục dựng nhà Rông đúng theo truyền thống, lớp trẻ đã tiếp thu được tri thức dân gian của cha ông, tiếp tục cho công việc bảo tồn. Qua đó lớp trẻ rất ủng hộ, rất đồng tình với những người lớn tuổi cũng như là với già làng, thôn trưởng, cùng với thôn làng phục dựng, bảo tồn nhà Rông”.

Tết này dưới mái nhà Rông truyền thống, dân làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động đón Xuân, vui Tết Giáp Thìn. Niềm vui, tiếng cồng chiêng và điệu múa Chiêu truyền thống của người Hà Lăng như kéo dài mãi vang vọng đến tận đại ngàn.

Đến nay, tại tỉnh Kon Tum có 437 trên tổng số 503 làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà rông. Trong đó có 213 nhà rông truyền thống và 224 nhà rông còn lại được xây dựng nửa hiện đại và hiện đại.

Dù việc khôi phục Nhà Rông truyền thống của các dân tộc tại chỗ ở tỉnh Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn do vật liệu khan hiếm, kiến thức dựng, nhà Rông truyền thống mai một song với quyết tâm bảo tồn, phát huy được giá trị di sản văn hóa quý giá này, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng người dân đang đồng lòng, chung sức để nhà Rông truyền thống mãi trường tồn cùng thời gian.

Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC