Nghệ nhân Bàn Văn Đức, ở bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là một người đã dành nhiều năm để duy trì và phát triển chữ Nôm Dao. Từ năm 2012 đến nay, ông Đức đã mở gần 20 lớp học và giảng dạy cho trên 700 học viên về ngôn ngữ và giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần giúp cộng đồng người Dao tiếp cận với chữ viết truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Ông Đức cho biết, một trong những di sản văn hóa quý báu gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao chính là chữ Nôm Dao, hệ thống chữ viết cổ độc đáo được dùng trong các văn bản ghi chép về lịch sử, tín ngưỡng và các nghi lễ truyền thống của người Dao.
"Là người dân tộc Dao, mình đã am hiểu về bộ chữ sau này rất là tốt, dạy cho con người sinh sống và mình nghĩ là phải dạy cho lớp trẻ học tập để nói theo, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Dao mình lâu dài mãi cho mai sau", ông Đức cho biết.
Cùng với chữ viết, dân ca, dân vũ của dân tộc Dao cũng là những nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Những điệu hát Páo Dung, những vũ điệu múa chuông truyền thống đã ăn sâu vào tâm hồn người Dao, trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, cưới xin, và các sự kiện văn hóa. Nét đẹp văn hóa này luôn được người Dao duy trì và phát huy qua các đội văn nghệ của bản, của xã.
Anh Bàn Văn Phong ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ chia sẻ: "Tôi và bà con nhân dân bản suối Lìn rất yêu thích nét văn hóa của dân tộc Dao, điệu múa, ca hát, chữ viết của dân tộc, cố gắng học để gìn giữ cho con cháu sau này".
Đồng bào Dao Tiền, một trong những cộng đồng dân tộc có lịch sử định cư lâu đời tại huyện Mộc Châu, nổi bật với nền văn hóa đặc sắc và giàu truyền thống ngay từ trong các phong tục, tập quán và lễ hội, không chỉ góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của tỉnh Sơn La mà còn là niềm tự hào của chính người Dao Tiền.
Các lễ hội thường xuyên được nhân dân gìn giữ và phát huy, như: Lễ cúng rừng, lễ hội Púng Hiéng, lễ Tết nhảy, hay lễ cấp sắc…. Trong đó, hầu hết các yếu tố văn hóa truyền thống của người Dao Tiền cũng như quan niệm về thế giới tâm linh, các sắc thái tôn giáo tín ngưỡng, cách thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, tập quán giáo dục cộng đồng… đều được thể hiện một cách rõ nét trong Lễ hội Púng Hiéng. Ông Lý Trọng Sinh, bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu cho biết: "Đối với dân tộc Dao Tiền chúng tôi có lễ hội này là to nhất hằng năm, chúng tôi rất tự hào rằng chúng tôi đang còn giữ gìn và bảo tồn. Trong lễ hội này, chúng tôi ở trong dòng họ hằng năm cứ ba năm một lần sang năm thứ tư chúng tôi bắt đầu tổ chức tái hiện lại, truyền dạy lại những phương thức, những bài ca, những tiếng hát, điệu múa điệu xoè, học tập đánh trống, đánh chiêng có liên quan rất nhiều đến văn hóa bản sắc dân tộc Dao".
Những năm qua, nhiều chương trình hỗ trợ đã được tỉnh Sơn La triển khai để bảo tồn tiếng nói, chữ viết và các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ và hội thảo nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân dân gian được khuyến khích và hỗ trợ trong việc truyền dạy chữ viết, dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Những nỗ lực này đã tạo ra một môi trường thuận lợi để các giá trị văn hóa của dân tộc Dao được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Hiện nay Mộc Châu đã có 11 lễ hội được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 7 lễ hội chung với tỉnh Sơn La và 4 lễ hội của Mộc Châu. Một trong những lễ hội đó là lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Tiền, chúng tôi cũng xác định hằng năm trên cơ sở những cái đồng bào dân tộc hiện đang đang có, chúng tôi sẽ hỗ trợ để bà con tiếp tục khôi phục, tạo dựng, một mặt để bà con tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc mình để nâng niu giữ gìn và phát triển nó, lưu chuyển nó cho đời sau".
Việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, là động lực để đồng bào vươn lên, xây dựng bản làng giàu đẹp, văn minh./.
Viết bình luận