Người Sê đăng giữ lửa nghề rèn
Thứ hai, 00:00, 21/01/2019 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Nghề rèn truyền thống là nét nổi bật trong văn hóa, lịch sử và khoa học của người Sê đăng ở tỉnh Kon Tum.

 

Từ địa bàn huyện Kon Rẫy ngang qua Đăk Hà hay ngược lên Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Kon Plông của tỉnh Kon Tum mùa này dễ gặp lửa lò rèn của người Sê đăng. Điều thú vị là khác với lò rèn của người Kinh, lò rèn của người Sê đăng cơ bản vẫn giống như cả nghìn năm trước với cấu trúc: bễ tạo hơi bằng da con mang; 2 ống bễ gỗ; 2 ống dẫn hơi bằng nứa và 1 ống đất chịu lửa dẫn ra lò nung.

Bên lò than đỏ rực được đắp đơn giản, nửa chìm, nửa nổi, nghệ nhân A Kênh, làng Kon Cheng, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà: khẳng định: Cha, ông mình ngày xưa làm thế nào thì nay làm thế thôi. Cần nhất là bộ da con mang để làm bộ thổi hơi. Bây giờ khó kiếm lắm nhưng không có không được. Lò rèn đề rèn ra dao, ra cuốc để con cái làm nương, làm rẫy.

Những người già kể lại, ngày xưa ở vùng của người Sê đăng nhất là người Sê đăng nhánh Xơ đrá, mỗi làng thường có 7 đến 15 lò rèn. Những lò rèn này thường đỏ lửa vào mùa phát rẫy, làm cỏ lúa và trước mùa thu hoạch. Mục đích là để sửa chữa, làm mới nông cụ sản xuất. Sản phẩm làm ra vừa đáp ứng nhu cầu trong làng, số dư được mang đi trao đổi với các dân tộc anh em, đến cả những vùng xa, như: Quảng Nam, Quảng Ngãi hoặc sang tới tận Lào và Campuchia.

Để có sắt, người Sê đăng xưa khai thác quặng dạng cục trên đồi và quặng dạng cát dưới các dòng suối. Loại quặng này có hàm lượng sắt rất cao tới 98% ở dạng cục và 96% ở dạng cát. Để nung quặng thành sắt, người Sê đăng dùng cây rừng Loăng Rlinh làm than cho nhiệt tới trên 1.000 độ C.

Ngoài việc đập, sửa, mài tạo ra những công cụ theo ý muốn, người Sê đăng còn biết kết hợp nhiều loại quặng,  dùng vẩy tê tê, sừng trâu để "trui" khiến sản phẩm có độ rắn chắc và bền hơn.

(Người Sê đăng thành thục kỹ thuật luyện sắt- Ảnh: VOV)   

Trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ học Lung Leng, Plei Krông…ở tỉnh Kon Tum, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 18 lò luyện sắt, trong lò còn vết tích nhiên liệu than gỗ, quặng và nhiều xỉ sắt. Cùng với đó, có khá nhiều đồ sắt như dụng cụ lao động, mũi tên sắt và đồ trang sức được chôn trong mộ.

Những chứng cứ này cho thấy kỹ thuật luyện sắt của người Sê đăng ở Kon Tum đã đạt đến trình độ khá cao và có niên đại cách đây từ 1.500 đến 3.000 năm. Một số nhà khoa học còn đưa ra nhận định, người Sê đăng nhánh Xơ đrá là cư dân đứng đầu về nghề rèn ở Việt Nam và có thể toàn Đông Nam Á. Bởi vậy cùng với hệ thống lễ hội đặc sắc, độc đáo thì nghề rèn truyền thống cũng là nét nổi bật về văn hóa, lịch sử và khoa học của người Sê đăng ở tỉnh Kon Tum.

Không chỉ có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử một dân tộc, những người Sê đăng làm nghề rèn còn có niềm tự hào khác, đó là họ đã góp công, góp sức cho công cuộc giữ làng, giữ nước trước giặc ngoại xâm.

Suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Sê đăng đã cung cấp cho quân đội hàng triệu công cụ lao động để tăng gia sản xuất giúp dân quân, du kích, bộ đội chính quy no bụng đánh giặc. Những giáo, mác, chông, thò, bẫy…của đồng bào khiến kẻ thù khiếp sợ chùn bước trong những cuộc càn.

Lịch sử quân sự Quân khu 5 còn ghi rõ, năm 1960 từ loại lò rèn truyền thống của người Sê đăng, Phân xưởng luyện gang C13- Quân Khu 5 được thành lập tại làng Kon Blo, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Đây là cơ sở sản xuất vũ khí đầu tiên của Quân khu 5 ở Tây Nguyên trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Xưởng rèn này huy động những thợ giỏi ở các xã, như: Đăk Ui, Ngọk Réo, Đăk Kôi để sản xuất vỏ đạn và vũ khí. Năm 2017 phân xưởng luyện gang này được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tuy nhiên, những người già ở Kon tum vẫn vương vấn một nối buồn về nghề rèn truyền thống của người Sê đăng, bởi bây giờ  rất ít người tự rèn. Người ở nơi xa mang dao, mang cuốc, rựa, liềm, mang đủ thứ đến bán tận làng. Bà con thấy tiện cần dụng cụ lao động gì thì ra chợ mua thôi.

Ông Phạm Bình Vương, chuyên viên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, nghề rèn có ý nghĩa đặc biệt với người Sê đăng, không chỉ trong cuộc sống mà cả trong vấn đề tâm linh. Một đứa con khi mới ra đời người phụ nữ phải cõng đứa con đó đến một điểm lấy quặng. Đấy là sản phẩm để cho ra đời các mẻ sắt để làm ra công cụ. Ngay buổi ban đầu người ta đã ý thức cho những đứa trẻ.

Để bảo tồn nghề rèn truyền thống của người Sê đăng, những năm gần đây chính quyền và ngành văn hóa tỉnh Kon Tum đã quan tâm và có những ưu tiên đặc biệt. Trong các sự kiện văn hóa lớn của địa phương đều có nội dung giới thiệu nghề rèn truyền thống của người Sê đăng. Với mong muốn giữ lửa nghề rèn, các nghệ nhân Sê đăng tham gia tích cực hoạt động này. Tại các thôn làng, không ít nghệ nhân cũng đã vận động con cháu, cộng đồng khôi phục nhân rộng ngọn lửa nghề rèn./.

 

Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC