Nhạc cụ dân gian Ê Đê: Cả một miền văn hóa
Thứ năm, 14:54, 19/09/2024 Đỗ Quyên/VOV4 Đỗ Quyên/VOV4
VOV4.VOV.VN - Không chỉ là một nhạc cụ làm phong phú đời sống tinh thần, trống H'gơr, Đinh năm còn được sử dụng trong lễ trọng của người Ê Đê như một nghi thức không thể thiếu.

 

Trống H'gơr

Tiếng trống H’gơr gắn bó với vòng đời người Ê Đê. Từ lúc sinh ra từ nghi lễ mừng đầy tháng, tuổi trưởng thành, cho đến lễ mừng thọ hay lễ bỏ mả… trống H'gơr đều có mặt. 

Trong sinh hoạt cộng đồng, trống H’gơr được diễn tấu cùng dàn chiêng và trống thường cố định một chỗ trên ghế hoặc đầu hồi nhà hay sân lễ.

Khi không tham gia diễn tấu, trống H’gơr được đặt trên chiếc ghế Kpan với quan niệm giữ giấc ngủ bình an và chứng kiến những buồn vui trong gia đình. Với người Ê Đê, giữ gìn trống H’gơr chính là giữ gìn cho gia đình sự an lành, may mắn.

Trống H'gơr được làm từ thân gỗ lim, gỗ sao nguyên khối. Mặt trống làm từ da trâu. 

Bà H'Hoa Nie ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk cho biết, phía mặt trước của trống là da con trâu cái. Dịp lễ hội, lễ cúng sức khỏe, lễ vòng đời người... nghệ nhân sẽ diễn tấu, đánh trên mặt da này.

Còn mặt sau làm bằng da trâu đực, họ sẽ đánh khi làm lễ rước hồn ghế Kpan. Họ đánh chiếc dùi bằng thanh tre.

Không chỉ là một nhạc cụ, trống H'gơr là một tài sản vô giá của một gia tộc đồng bào Ê Đê. Chỉ gia đình giàu có, bề thế mới có chiếc trống này.

Đinh năm

Hát Ei rei hòa quyện trong tiếng Đinh năm

Đinh năm là một nhạc cụ được làm bằng bầu khô có 6 ống nứa cắm xiên qua, xếp thành 2 bè. Mỗi bè 3 ống.

Trên lưng mỗi ống nứa, nghệ nhân đục một lỗ ở những vị trí khác nhau. Lấy cuống trái bầu khô làm đầu thổi, nghệ nhân đẩy hơi từ khoang miệng vào ống thổi làm ngân lên những âm thanh vui tai.

Đây là loại nhạc cụ có khả năng diễn tấu phong phú, dành cho nam giới. Nhưng trong truyền thống nó bị cấm thổi trong nhà vì nó chuyên dùng cho đệm hát Ei rei khi nhà có tang. Họ chỉ thổi ngoài buôn, thổi trên rẫy. 

Khi ấy, trai gái Ê Đê giao duyên, đối đáp vui hát với nhau giữa tiếng suối reo, giữa những xào xạc của lá cây trong gió, cùng với âm thanh vui nhộn của đinh năm.

Còn trong tang ma, Đinh năm cất lên cùng làn điệu dân ca giao duyên Ei rei để chia buồn với tang chủ. 

Họ quan niệm, nhà có tang mà khách đến khóc lóc mếu máo lại cộng thêm buồn cho gia chủ. Anh phải vui, phải múa, phải hát và tốt nhất là giao duyên.

“Cái chết lại là mở đầu cho một mối tình. Rồi họ lại lấy nhau, họ lại sinh con đẻ cái, lại bắt đầu 1 sự sống mới. Tức là cái vòng đời nó khép kín như vậy. Chính vì thế, cái điệu hát Ei rei chỉ hát trong đám ma”. - NSƯT Vũ Lân giải thích.

Đỗ Quyên/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC