Từ xa xưa, đồng bào Lự đã biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Trang phục truyền thống của các thành viên trong gia đình đều được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Lự. Để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm, hay những bộ trang phục độc đáo phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo như: trồng bông, bật bông, xe sợi, dệt vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn…
Chị Lò Thị Bình, dân tộc Lự ở bản Hon, xã bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết, để làm xong hoàn chỉnh bộ trang phục của người phụ nữ Lự phải mất khoảng 6 - 7 tháng, tất cả các công đoạn đều tự làm bằng tay.
Bộ trang phục của phụ nữ Lự gồm có áo, váy, thắt lưng, khăn đội đầu và các phụ kiện trang sức đi kèm. Sau khi dệt thành tấm vải, người phụ nữ Lự sẽ đem đi nhuộm chàm, để bền màu người nhuộm phải làm tỉ mỉ, kỳ công.
“Vải nhuộm chàm xong mình phơi khô đi, rồi hấp vải lên cho nó giữ màu được lâu hơn mới cắt thành áo được. Thêu thùa hoa văn xong mình trang trí rồi mới thành cái áo”. - Chị Lò Thị Bình nói.
Áo của chị em phụ nữ Lự may bằng vải chàm đen, xanh đen ghép liên kết với nhau từ 6 miếng vải cắt theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có vạt xòe rộng so với eo. Hoa văn dệt kết hợp với hoa văn ghép vải.
Cổ áo liền với nẹp ngực gồm 5 miếng vải may cầu kỳ với các màu khác nhau tạo thành. Miếng vải ở giữa được đáp những quả hình trám màu xanh, đỏ nối tiếp nhau. Tay áo dài được may thon dần về phía cổ tay viền một vòng vải hoa nhỏ, sát nách có thêu hoa văn chạy vòng quanh ống tay.
Trên thân áo bên trái thêu một đường chỉ nhỏ chạy từ cổ thẳng xuống vạt áo bằng chỉ các màu. Hai bên vạt áo được đính hai dây vải hoa, dải dây bên sườn phải có 5 tua bằng sợi len các màu có xâu những hạt cườm. Khi mặc, vạt áo được vắt chéo thân bên trái sang phía sườn phải và buộc hai dây vải với nhau.
Chị Vàng Thị Păn, ở bản Hon, xã Bản Hon chia sẻ: “Từ khăn đến áo váy là em tự làm, tự thêu, tự dệt. Phụ nữ Lự trước khi đi lấy chồng phải biết làm cho mình một bộ về nhà chồng. Kỳ công nhất là mình dệt và thêu áo”.
Váy chị em phụ nữ Lự được tạo bởi ba miếng vải khác nhau, hình ống và chia làm ba phần gồm cạp, thân và chân váy. Cạp váy bằng vải bông nhuộm nâu, không trang trí hoa văn.
Thân váy bằng vải tơ tằm được dệt trên một khung cửi riêng, kỹ thuật dệt phức tạo và đòi hỏi sự khéo léo của người dệt để tạo thành những hoa văn theo ý thích của từng người. Hoa văn nổi bật ở thân váy là hình quả trám, hình cây cỏ, hoa lá.
Chân váy bằng vải bông nhuộm đen, gấu váy viền bằng vải hoa rộng 1cm. Ở khoảng giữa có khâu nối 9 ô vải hoa các màu theo chiều dọc từ thân váy xuống gấu váy, kết thúc là hoa văn các hình tam giác xanh và đỏ xen kẽ nhau nhằm giúp váy thêm nổi bật.
Thắt lưng bằng vải mộc trắng, hai đầu thêu hoa văn 6 đường chạy ngang, đường thứ 4 được thêu cầu kỳ hơn và ở đuôi thắt lưng để nhiều tua sợi, khi thắt họ gấp đôi khổ vải, buộc sang bên cạnh sườn bên trái, để thõng hai đầu dây cho mềm mại.
Khăn đội đầu cũng là vật không thể thiếu trong trang phục của người phụ nữ Lự. Khăn được làm bằng vải thô nhuộm đen, hai đầu khăn trang trí bởi các đường chỉ nhỏ 2 màu vàng, trắng khác nhau, có tua dài.
Khăn đội đầu cùng với phụ kiện trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai được làm từ bạc, nhôm càng làm tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng của các cô gái dân tộc Lự. Luôn tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc, chị Lò Thị Bình và bà con người Lự ở bản Hon mong muốn nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của dân tộc mình sẽ trường tồn mãi với thời gian.
Mùa xuân đến với bản làng của đồng bào Lự nơi biên giới Lai Châu, vẻ đẹp rực rỡ từ bộ trang phục truyền thống của chị em phụ nữ hòa cùng sắc màu của thiên nhiên, cây trái làm bức tranh nông thôn mới nơi này thêm đẹp, tươi mới đón xuân sang.
Viết bình luận