Quyết định được Thứ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, ông Alue Dohong, thông báo ngày hôm qua (27/6) sau cuộc gặp với Phó Thống đốc tỉnh Đông Nusa Tenggara, ông Josef A Nae Soi.
Rồng Komodo - loài thằn lằn lớn nhất thế giới - ở Indonesia. Ảnh: VOV Jakarta
Theo Thứ trưởng Alue Dohong, Vườn Quốc gia Komodo của Indonesia là một trong các di sản thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu và số du khách tới đây ngày càng tăng. Giới hạn lượng du khách sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với việc bảo tồn quần thể rồng Komodo và các loại động vật khác, cũng như bảo tồn tính bền vững hệ sinh thái đảo Komodo và đảo Padar – nơi rồng Komodo sinh sống.
Nghiên cứu của Trung tâm Vườn Quốc gia Komodo (BTNK) và nhiều chuyên gia môi trường Indonesia cho thấy, con số du khách thăm đảo Komodo nên giới hạn tốt nhất là khoảng 219.000 du khách/mỗi năm, trong khi ở đảo Padar là 39.420 du khách/mỗi năm. Hiện tại, BTNK mở cửa cho du khách thăm đảo Padar 03 lần/mỗi ngày; mỗi lần chỉ đón 100 người. Tuy nhiên, đảo Padar vẫn có khả năng đón lượng khách nhiều gấp đôi khi tính tới điều kiện cơ sở hạ tầng du lịch, năng lực của các nhân viên kiểm lâm và y tế.
Thứ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết chính sách kiểm soát lượng du khách thăm rồng Komodo sẽ được thực hiện thông qua các ứng dụng kỹ thuật số, chẳng hạn như ứng dụng đặt phòng nghỉ trực tuyến. Chính phủ Indonesia hy vọng với chính sách du lịch bền vững, ngành du lịch tại Đông Nusa Tenggara sẽ tiếp tục phát triển, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng và vẫn đảm bảo được sự tồn tại của rồng Komodo.
Vườn quốc gia Komodo, bao gồm 3 hòn đảo lớn là Komodo, Padar và Rinca cùng 26 hòn đảo nhỏ hơn, được thành lập vào năm 1980 để bảo vệ rồng Komodo - loài thằn lằn khổng lồ duy nhất còn sót lại trên thế giới và đã được đưa vào sách đỏ. Hiện còn khoảng hơn 2.890 cá thể rồng Komodo sinh sống tại đây.
Võ Giang/CQTT Indonesia
Viết bình luận