Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng tại Tây Nguyên
Thứ năm, 13:52, 11/04/2024 Nam Trang/VOV Tây Nguyên Nam Trang/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hàng năm, dù không trở về mảnh đất Phú Thọ dâng hương tại Đền Hùng, song người dân các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều có thể thực hiện tín ngưỡng thờ tổ của mình tại các công trình đền thờ, đình... xây dựng trên địa bàn sinh sống.

 

Nhiều năm qua, người dân thôn 6, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông rất tự hào vì có Đền thờ Hùng Vương khang trang, uy nghiêm luôn nghi ngút khói hương. Đền thờ Vua Hùng được xây dựng từ năm 2003, với diện tích 250m2, do bà con đồng hương Phú Thọ ở xã Đắk Búk So tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí. 

Ông Chử Văn Chúc, Trưởng ban Lễ hội giỗ tổ Hùng Vương ở đây cho biết, những năm đầu thành lập, chỉ có người dân trong xã Đắk Búk So đến cúng tế vào các dịp lễ Tết, nhất là ngày Giỗ Tổ. Sau đó, người dân ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đến chiêm bái.

“Tất cả bà con hội đồng hương Phú Thọ vào đây làm kinh tế rất xa. Càng xa bao nhiêu càng nhớ quê bấy nhiêu. Thế rồi bà con hiến đất, ủng hộ tiền bạc để xây dựng đền thờ là một nơi thờ cúng tâm linh. Chúng tôi hội tụ về đây, về mặt tinh thần giảm bớt nỗi nhớ quê nhà, để thế hệ sau này các con các cháu tiếp bước đời cha, đời anh cứ thế làm công tác thờ cúng này”. - Ông Chử Văn Chúc chia sẻ.

Trên núi Phượng Hoàng thuộc khu du lịch thác Prenn, phường 3, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng cũng có đền thờ các Vua Hùng. Công trình được xây dựng năm 2002, theo mẫu Đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ, với đền Thượng thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đền Trung thờ vị vua thứ bảy và đền Hạ thờ vị vua cuối cùng của các đời Vua Hùng. Đền thờ đã trở thành điểm đến để người dân muôn nơi tìm về chiêm bái, tưởng nhớ.

Từng nhiều lần tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại đây, chị Nguyễn Thị Minh Hiếu, ở phường 3, thành phố Đà Lạt bày tỏ: “Tôi muốn các con có cơ hội tìm hiểu về truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng là một cơ hội để chúng tôi tham gia các hoạt động văn hóa xã hội góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam".

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức trang trọng hàng năm tại Di tích quốc gia Đình Lạc Giao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk với sự tham dự của các lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và các tầng lớp nhân dân. Mọi người đều thành kính dâng hương tưởng niệm, làm lễ bái vọng Quốc Tổ Hùng Vương.

Năm nay, lễ Giỗ Tổ được tổ chức từ ngày 9 - 10/3 âm lịch với các hoạt động phong phú như gói bánh chưng, giã bánh dầy, Lễ Tiên thường và Lễ dâng hương hoa, lễ vật lên Quốc Tổ Hùng Vương.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đánh giá, Giỗ tổ Hùng Vương tại Đình Lạc Giao không chỉ thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến các Vua Hùng. Đây còn là nơi gắn kết cộng đồng các dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, nguyện cầu quốc thái, dân an...

Cũng theo ông Lại Đức Đại, Đề án xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk triển khai đã được gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để trình Thủ tướng Chính phủ.

Đền thờ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa trên diện tích khoảng 20ha, đặt tại đồi Cư Mblim, thuộc địa phận xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột và xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. 

Việc đầu tư xây dựng đền thờ Vua Hùng nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc của người dân Tây Nguyên đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên.

Nơi nào có người Việt sinh sống là nơi đó có thờ cúng Hùng Vương. Những ngôi đền thờ Vua Hùng tại Tây Nguyên đã giúp cho người dân nơi đây thỏa tấm lòng thành kính, tri ân các bậc Vua Hùng.

Nam Trang/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC