Tưng bừng Lễ hội Khu Cù Tê của người La Chí ở Bắc Hà
Thứ ba, 15:05, 01/08/2023 Dân tộc và Phát triển Dân tộc và Phát triển
VOV4.VOV.VN - Ngày 26/7, tại thôn Mào Phố, Phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông huyện Bắc Hà (Lào Cai) phối hợp với Đảng ủy xã Nậm khánh tổ chức tái hiện Lễ hội Khu Cù Tê - Tết tháng Bảy của người La Chí, với những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách và Nhân dân trong xã tham gia.

 

Tết tháng Bảy - “Khu Cù Tê”, hay còn được gọi là Tết uống rượu tháng Bảy của người La Chí (Lễ hội Khu Cù Tê). Đây là ngày tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người La Chí, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Tại Lễ hội, đã tái hiện phần nghi lễ Tết Khu Cù Tê; trình diễn nhạc cụ người La Chí, hát giao duyên; thi đấu các môn kéo co, đẩy gậy, các trò chơi dân gian như đu quay, đi cà kheo; thi thêu thổ cẩm, thi hát dân ca... thu hút đông đảo bà con người La Chí, nhất là thanh niên tham gia thi đấu, giao lưu, tạo không khí tưng bừng, sôi động trong tiếng hò reo, cổ vũ của đông đảo người xem

Tết Khu Cù Tê là Tết lớn nhất của người La Chí. Người La Chí gọi mình là “Cù Tê” có nghĩa là “Người mình”. Tết Khu Cù Tê của người La Chí được tính từ ngày mồng 1/7 Âm lịch và ăn Tết đến ngày 15/7 Âm lịch. Nếu năm nào có nhuận hai tháng 4 thì cộng dồn, Tết của người La Chí sẽ được tổ chức vào tháng 6 Âm lịch.

Trước ngày Tết 2, 3 hôm, các hộ gia đình đi phát quang, dọn cỏ các ngôi mộ và thông báo cho Tổ tiên biết ngày mở Tết, dặn người chết không được đi đâu và chờ trưởng họ mời về ăn Tết.

Các hộ gia đình chuẩn bị nấu rượu uống và rượu Hoẵng để cúng. Rượu Hoẵng là một loại rượu được làm rất kỳ công, rượu có màu trắng đục, vị ngọt thơm. Các gia đình chọn gạo nếp thơm ngon, nấu lên để nguội, đem ủ cùng một loại men cổ truyền gồm 12 thứ lá lấy ở trên rừng.

Sừng trâu là vật không thể thiếu trong lễ cúng của người La Chí. Sừng trâu được rửa sạch rồi đem đi phơi nắng, cưa ngắn bớt phần cuối sừng và khoan một lỗ tại phần nhọn của sừng, xỏ một sợi dây để treo. Sừng trâu (Khâu vài) được treo cùng chiếc giỏ (La mổ) và một củ gừng ở gian giữa của ngôi nhà, đó chính là bàn thờ Tổ tiên của người La Chí.

Theo phong tục truyền thống của người La Chí, họ chỉ thờ cúng những người đã mất tính từ 3 đời trở lại, những linh hồn này sẽ được mời về khi cúng tại nhà trưởng tộc của các dòng họ. Các gia đình tập trung tại nhà trưởng tộc, khi đi mang theo một chai rượu, một gói xôi, một miếng thịt. Các thành viên mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình, những người được trưởng tộc chỉ định sẽ ngồi xung quanh một mâm gỗ có các giỏ đựng, gói xôi, gói thịt.

Ngày Tết cuối, dân làng tập trung tại một khu đất rộng nơi dựng căn nhà cộng đồng “Khu Cù Tê” làm lễ đánh trống, để tiễn Tổ tiên về lại thế giới bên kia. Căn nhà này được dựng từ nhiều đời trước, nhà có 8 cột, 2 mái, có sàn, bên trong có một mâm gỗ đặt xương sọ và sừng trâu. Theo quan niệm của người La Chí, ngôi nhà này rất thiêng liêng, không ai được phép phá hủy hoặc làm tổn hại đến căn nhà này.

Tết Khu Cù Tê còn gắn với Lễ hội Hoàng Vần Thùng nhằm tưởng nhớ người Tộc trưởng đã truyền dạy nghề nông cho người La Chí. Hoàng Vần Thùng được cộng đồng người La Chí coi như một vị thần bảo hộ, mỗi nơi có người La Chí sinh sống đều thờ cúng vị tù trưởng này cùng với Tổ tiên.

Ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa huyện Bắc Hà cho biết, triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023, huyện Bắc Hà đã triển khai khôi phục, Bảo tồn và phát huy văn hóa độc đáo, đặc sắc Tết tháng Bảy (Khu Cù Tê) của người La Chí xã Nậm Khánh gắn với phát triển du lịch.

Sau gần 1 tháng tổ chức lớp học, tập huấn kỹ năng, truyền thụ các điệu múa, hát dân ca La Chí, các nghi lễ trong đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần cho bà con nắm bắt, biểu diễn khá thuần thục và đã thành lập được Câu lạc bộ văn nghệ dân gian, tổ thuê trang phục thổ cẩm La Chí… Phòng Văn hóa đã phối hợp tổ chức tái hiện nhằm tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa Tết tháng Bảy của người La Chí, tạo sân chơi lành mạnh, ý nghĩa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chung sức bảo tồn, phát huy gắn với du lịch, tạo nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, điểm đến mới hấp dẫn của du khách khi đến với miền Cao nguyên trắng Bắc Hà.

Tết Khu Cù Tê là một di sản văn hóa mang bản sắc của cộng đồng dân tộc La Chí, thông qua đó tính cố kết của cộng đồng được bền chặt qua nhiều thế hệ. Tết Khu Cù Tê là dịp những người trong dòng họ có dịp gặp nhau, sum họp với gia đình, dòng tộc của mình, cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, nhớ ơn Tổ tiên, đồng thời cầu cho cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc. Chính vì vậy, mà cộng đồng dân tộc La Chí  không thể bỏ được Tết này.

Dân tộc và Phát triển

Viết bình luận

Tin liên quan

Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con của người Chăm Islam An Giang
Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con của người Chăm Islam An Giang

VOV4.VOV.VN - Theo phong tục của người Chăm Islam ở An Giang, khi đứa trẻ sinh ra được 7 ngày cho đến 40 ngày, gia đình sẽ làm Lễ cắt tóc và đặt tên cho con.

Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con của người Chăm Islam An Giang

Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con của người Chăm Islam An Giang

VOV4.VOV.VN - Theo phong tục của người Chăm Islam ở An Giang, khi đứa trẻ sinh ra được 7 ngày cho đến 40 ngày, gia đình sẽ làm Lễ cắt tóc và đặt tên cho con.

Độc đáo Lễ kết nghĩa anh em của người Mnông ở Đắk Lắk
Độc đáo Lễ kết nghĩa anh em của người Mnông ở Đắk Lắk

VOV4.VN - Người Mnông ở Đăk Lăk kết nghĩa anh em, nhưng đó không chỉ là kết nối 2 cá nhân, mà cả 2 gia đình, tuy không cùng dòng tộc nhưng trở thành thân thiết như ruột thịt. Buổi lễ được tổ chức trang nghiêm với đầy đủ các lễ vật.

Độc đáo Lễ kết nghĩa anh em của người Mnông ở Đắk Lắk

Độc đáo Lễ kết nghĩa anh em của người Mnông ở Đắk Lắk

VOV4.VN - Người Mnông ở Đăk Lăk kết nghĩa anh em, nhưng đó không chỉ là kết nối 2 cá nhân, mà cả 2 gia đình, tuy không cùng dòng tộc nhưng trở thành thân thiết như ruột thịt. Buổi lễ được tổ chức trang nghiêm với đầy đủ các lễ vật.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC