Từ sáng sớm, các chái bếp của người dân trong buôn Kon Hring, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã nổi lửa, khói vương vít bay lên với mùi thơm của các món ăn truyền thống và lễ vật dâng lên các thần: cơm lam, rượu cần, thịt heo-gà- chuột, canh cà đắng và canh bột…
Chị H’Vêu, một trong những đầu bếp phục vụ lễ cúng cho biết: Ngày mùng 1 là ngày lễ lúa mới, tất cả mọi người trong đội 1 của mình đều chung tay làm các món ăn để dâng lên các thần. Đây là cơm lam, đây là măng chua xào với thịt heo còn mấy cây chuối xắt xong rồi vò và trộn với thịt chuột rồi bỏ vô lồ ô nướng. Mình sẽ mang xuống nhà rông để mọi người tập trung ăn ở đó.
Một món ăn không thể thiếu và cũng là một trong những lễ vật dâng cúng các thần trong ngày Tết cơm mới chính là thịt chuột. Theo quan niệm của người Xê đăng, chuột là loài vật phá hoại mùa màng nên bị bắt để hiến tế thần linh, để năm sau chúng không dám phá hại mùa màng.
Anh A Quân, người trực tiếp đi bẫy chuột để làm món thịt chuột cho biết, để có được chuột “sạch”, người dân phải đi sâu vào rừng.Từ đây tới chỗ mình đi bắt khoảng 75 cây số, mỗi lần đi bắt từ 12 giờ trưa hôm trước đến 7,8 giờ sáng hôm sau mới quay về tới nhà. Lần vừa rồi mình mang theo 50 cái bẫy.
Trước kia, người Xê Đăng ở Kon Hring cư trú ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Do chiến tranh loạn lạc, năm 1972 di cư đến xã Ea Yông, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk; đến năm 1988 tìm đến vùng đất màu mỡ Kon Hring để lập buôn mới, xây dựng, phát triển cuộc sống.
Ngày trước, Tết cơm mới của người Xê Đăng chỉ tổ chức trong từng gia đình nhỏ, các gia đình mời nhau, từ nhà này sang nhà khác, tổ chức kéo dài từ tháng 10 cho đến tháng 12. Từ năm 1994 đến nay, Tết cơm mới đã trở thành lễ hội lớn, tổ chức chung trong cả cộng đồng và chỉ tổ chức trong một ngày; nhà nhà đều chuẩn bị các món ăn, đem ra nhà cộng đồng để cùng nhau thưởng thức…
Theo ông Vi Von, buôn trưởng buôn Kon H’ring, người Xê Đăng chọn mùng 1 tháng 1 năm mới với ý nghĩa là đã thu hoạch lúa, cà phê xong một năm. Năm mới gặp nhau một lần để cùng chung vui Lễ hội nhằm trao đổi công ăn việc làm, học hỏi những kinh nghiệm làm hay, qua đó tăng cường sự đoàn kết của buôn làng.
Khi cồng chiêng nổi lên bài đón khách, mọi người tụ hội tại sân nhà rông để cùng dự lễ; già làng dâng lễ vật, đọc lời khấn, cảm tạ trời đất, mời thần linh, tổ tiên, ông bà về dự và cầu mong mùa màng năm sau được tốt tươi, bội thu.
Mọi người cùng tập trung nghe già làng dọc lời khấn, chúng con cầu mong sang năm đưa lúa đi gieo, lúa giống ra ngoài cũng mọc, lúa ở trong cũng lên, đẹp bời bời như cỏ tranh ngoài rừng, xanh như mía trong vườn người người đi qua muốn xin làm giống; cầu mong cuối năm mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh, nhà nhà yên vui, con cháu học hành nên người.
Sau lời khấn, cần rượu được vít cong, nhịp cồng chiêng rộn ràng, vòng xoang lại được tiếp nối với hát giao duyên, chơi các trò chơi dân gian. Cả dân làng và khách tới chơi đều trở thành thân thuộc trong ngày lễ đầu năm, chúc nhau một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc.
Lần thứ 5 về dự Lễ mừng lúa mới của buôn Xê đăng, chị Lê Thị Thanh Thủy ở buôn Dóc xã Ea H’ding, chia sẻ, năm nay tôi thấy bà con ai cũng phấn khởi, các tiết mục phong phú và rất hay, bà con chuẩn bị rất kỹ. Còn về món ăn thì có nhiều món ăn đặc thù của đồng bào địa phương ở đây.
Trong men rượu cần, trong vòng xoang của các cô gái, chàng trai, ai ai cũng rạng rỡ nụ cười. Đất trời giao hòa, lòng người giao hòa và cùng sẻ chia, đồng điệu, hòa cảm với buôn làng Kon H’ring./.
Một số hình ảnh về Lễ mừng cơm mới của đồng bào Xê Đăng ở buôn Kon Hring:
Viết bình luận