Làng "cổ dài" ở Thái Lan và những điều còn gây tranh cãi
Thứ hai, 14:19, 23/08/2021 Việt Phú KT DTMN Việt Phú KT DTMN
VOV4.VN- Nép mình ở vùng núi phía Tây Bắc Thái Lan, ngôi làng Huai Sua Tao, là nơi sinh sống của hàng chục “phụ nữ cổ dài” - những người được biết đến với việc đeo rất nhiều chiếc vòng tròn bằng đồng để làm dài cổ. Sự độc đáo riêng có này đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến với ngôi làng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng đang là điểm du lịch gây không ít tranh cãi đối với người tị nạn gốc Myanmar này.

Những nét độc đáo riêng có

Những người phụ nữ “cổ dài” và gia đình của họ, đều không phải là công dân của Thái Lan mà là những người tị nạn từ Myanmar. Ở Myamar, tộc người này cư trú ở làng Panpat Padaung, thị trấn Loikaw (tiểu bang Kayah) và thị trấn Pekon (tiểu bang Shan). Trước đây, do xung đột với chính quyền quân sự Myanmar, nên một nhóm người trong bộ tộc Kayan di cư đến vùng giáp biên Thái Lan, cách thành phố Chiang Mai khoảng 30 km và một bộ phận cư trú tại tỉnh Mae Hong Son.

Làng cổ dài được hình thành cách đây 27 năm. Mặc dù họ đã  di cư đến nơi này trong gần ba thập kỷ, nhưng họ vẫn duy trì văn hóa riêng của mình là theo chế độ mẫu hệ và thực hiện đeo vòng để làm cho cổ dài đối với tất cả các cô gái trong làng.

Khi các bé gái được 5 tuổi, chúng bắt đầu đeo vòng đồng quanh cổ, số lượng vòng sẽ tăng lên sau 4 năm 1 lần và gắn bó với các bé gái cho đến cuối đời. Các vòng được đeo chồng lên nhau, làm cho cổ của các cô gái ngày càng dài hơn. Sau khi đeo quanh cổ, các cô gái sẽ không tháo ra nữa. Một số phụ nữ có cổ dài tới 25cm, với hơn 20 vòng tròn và nặng tới vài cân.

Theo quan niệm của dân làng cổ dài Karen, người phụ nữ có cổ càng dài, thì càng thể hiện được sự giàu có và hạnh phúc. Ngoài việc đeo vòng cổ, nếu gia đình có điều kiện, các bé gái 10 tuổi cũng đeo vòng chân.

Chị Ma Pang đứng tại cổng vào khu làng

Điểm du lịch gây tranh cãi

Khách du lịch đến ngôi làng từ nhiều nơi, nhưng đa phần vẫn là người Thái. Du khách thường lướt qua chụp ảnh hoặc selfie (chụp ảnh chung dùng camera trước) với những người phụ nữ cổ dài, và mua các sản phẩm được bày bán tại các gian hàng. Du khách Thái Lan có thể vào cửa miễn phí, nhưng người nước ngoài thường phải trả 250 baht (khoảng 7,5 đô la) để vào làng, số tiền này dùng để trả cho mức lương cơ bản 1.500 baht hàng tháng của phụ nữ tại đây.

Những hoạt động tại đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đồng thời cũng nhận về nhiều chỉ trích cho rằng, đây là việc khai thác những người di cư, những người có ít lựa chọn để kiếm sống.

“Đó giống như là một vườn thú của con người vậy” - Kitty McKinsey, phát ngôn viên của UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn) cho biết giữa những cáo buộc rằng, chính quyền Thái Lan đặc biệt ngăn cản phụ nữ Kayah tái định cư đến các nước thứ ba vì giá trị của họ mang lại cho hoạt động du lịch.

Du khách đeo thử những chiếc vòng cổ truyền thống

Ma Ja, một trong những phụ nữ cổ dài cùng gia đình di cư đến Thái Lan khi mới 11 tuổi, hy vọng rằng, mọi người không chú ý đến lời kêu gọi của McKinsey. Đối với cô, những vị khách du lịch này không chỉ là nguồn thu nhập duy nhất, mà còn là nguồn sinh lợi độc nhất, cho phép những người phụ nữ như cô trong mùa cao điểm du lịch có thể kiếm được gấp 10 lần những gì chồng của các cô làm ra.

“Lúc đầu, tôi không hiểu tại sao họ phải để khách du lịch vào và thăm chúng tôi. Sau này mới biết, đó là bởi chúng tôi có một nền văn hóa khác biệt và thu hút mà nhiều người muốn tìm hiểu”, Ma Ja bộc bạch.

Cô cũng cho biết thêm, về mặt tích cực, khi du khách đến sẽ tạo ra công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình từ việc bán đồ lưu niệm. “Việc bán đồ lưu niệm đã trở thành nguồn thu nhập chính, vì chúng tôi không có bất kỳ khoản thu nhập nào khác ngoài công việc này. Nếu không có khách du lịch đến, chúng tôi không biết phải làm thế nào”.

Một nam cư dân ở Huai Sua Tao, người từ chối nêu danh tính vì sợ bị trả thù nếu quay lại Myanmar, nói rằng, cuộc sống ở Thái Lan tốt hơn nhiều so với ở quê nhà. Anh nhớ lại cách anh và gia đình đã trải qua những ngày đi bộ xuyên rừng, vô cùng gian nan để đến được Thái Lan - nơi “ít nhất những người lính không làm phiền chúng tôi”, anh nói.

Ma Pang, một bà mẹ hai con 34 tuổi chia sẻ: “Từ bé tôi đã không được đi học. Khi đến đây, tôi bắt đầu bán đồ lưu niệm. Tôi đeo vòng từ năm 9 tuổi vì đây là một phần trong văn hóa của chúng tôi. Được ở đây đối với tôi là một niềm hạnh phúc, mặc dù tôi không được đi học, nhưng tôi có thể giúp mẹ kiếm sống”.

Dù có an toàn hơn quê nhà, nhưng cuộc sống ở Thái Lan vẫn còn khá khó khăn đối với những người di cư ở Huai Sua Tao. Ngôi làng kém phát triển với nguồn điện nhỏ giọt, chỉ đủ mạnh để sạc điện thoại hoặc cung cấp năng lượng cho một chiếc tivi cũ trong những ngôi nhà gỗ chật chội. Nhưng đó lại là một phần của trải nghiệm mà khách du lịch muốn bỏ tiền ra để thử.

“Khách du lịch sẽ không muốn đến thăm nếu ngôi làng được phát triển”, Boonrat Santisuk, người thu phí tại cổng làng cho biết.

Cô nói rằng, sau khi những người phụ nữ này dành đủ thời gian và tiết kiệm được tiền, họ có thể có đủ tiền để xây một ngôi nhà ở khu vực phát triển hơn của ngôi làng ngay phía trên đồi, nơi nhiều người dân Thái Lan sinh sống bên ngoài khu du lịch.

Vẫn hy vọng về những điều khác biệt

Cơ hội sống và làm việc ở Thái Lan, bị hạn chế nghiêm trọng đối với những người di cư không có giấy tờ như người Kayah, cùng với chi phí sinh hoạt có thể cao hơn đáng kể. Vì vậy, việc muốn di chuyển đi xa hơn khu vực đồi gần ngôi làng, là điều khó có thể xảy ra. Những người phụ nữ này, và gia đình của họ hầu hết được tự do đi lại và làm việc trong Mae Hong Son, nhưng để đến một tỉnh khác họ cần phải xin phép và phải có giấy phép lao động, đặc biệt cho những người đang tìm việc làm.

Những ngôi làng cổ dài cũng xuất hiện xung quanh Chiang Mai và Pattaya. Ba ngôi làng cổ dài ở Pattaya mới mở cửa từ năm 2017, chủ yếu phục vụ khách du lịch Trung Quốc. Tỉnh Chiang Mai tuy không béo bở như Pattaya, nhưng lại có lợi thế nằm cạnh Mae Hong Son và gần giống với cuộc sống của người Kayah nhất.

“Ở Pattaya lương cao nhất, cao thứ hai là ở Chiang Mai. Còn tại Mae Hong Son là mức thấp nhất”, Ma Pang nói. Cô cho biết mình đang chờ giấy phép để đi làm việc ở Pattaya và cô không phải là người phụ nữ đầu tiên rời đi để có được thu nhập tốt hơn.

Và mặc dù phần lớn phụ nữ, bao gồm cả cô đánh giá cao cuộc sống ở Huai Sua Tao và muốn khách du lịch đến thăm, nhưng cô không thể không mong mỏi một điều gì đó khác biệt.

“Tôi không có sự lựa chọn. Nếu tôi được đi học, tôi chắc sẽ làm một công việc khác chứ không phải công việc hàng ngày bị chụp ảnh. Tôi cảm thấy cuộc sống có nhiều thứ để làm hơn là chỉ có những việc này”, Ma Pang nói.

Duy Ly (Biên dịch theo TheWorld) 

Việt Phú KT DTMN

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC