Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia và các mạnh thường quân nên cậu bé Nguyễn Văn Hào ngày ấy mới có cơ hội theo đuổi “con chữ” và được đi học ở Việt Nam.
Cầm tấm bằng cử nhân Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh trong tay, anh Nguyễn Văn Hào đã về lại Campuchia, mong muốn đóng góp cho cộng đồng bà con gốc Việt nơi đây.
Nhớ về những ngày mới về trường cách đây hơn 12 năm, thầy Nguyễn Văn Hào chia sẻ: Ngôi trường nằm ở nơi hẻo lánh, không có nhà dân đông đúc, an ninh không tốt, cơ sở vật chất thiếu thốn, khuôn viên trường thì cây cối mọc um tùm,… Lúc đó, các phụ huynh cũng không quan tâm tới việc học hành của con cái, nên anh phải đến từng nhà, gặp từng người để vận động cho con em họ đi học.
"Ngay cả khi vận động được rồi, một số phụ huynh cũng cho con nghỉ học vì hoàn cảnh cuộc sống. Lúc đó, tôi phải có nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề khó khăn. Ví dụ: các em bận đi làm với cha mẹ chẳng hạn, thì buổi sáng đi làm, buổi chiều đi học một chút. Hoặc ngược lại. Thậm chí có những em học ngoài giờ, 11-12h, tôi cũng dạy luôn. Tôi làm mọi thứ để các em được đi học". Thầy Hào nói.
Do tích cực bám trường, bám lớp, bám phụ huynh và hết lòng vì học sinh, tình cảm giữa thầy trò ngày thêm gắn bó, bền chặt. Nhiều học sinh do thầy Hào giảng dạy bỏ học đã trở lại lớp.
Chia sẻ về niềm vui khi có con và cháu học tại trường tiểu học Khmer – Việt Nam, chị Trần Thị Thủy, cho biết: “Thầy dạy cho con em rất nhiều điều. Thầy dạy tốt, con của em đã biết chữ đến nơi đến chốn. Em rất là vui”.
Với quan điểm, tiếng Việt không chỉ để xác định danh tính dân tộc, mà ngôn ngữ đó còn thể hiện một bản sắc văn hóa, càng xa quê hương càng thấy có ý nghĩa vô cùng. Chính vì vậy, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào đã định hướng cho nhà trường coi tiếng Việt như sợi “dây rốn” nối liền những người con xa xứ với quê cha, đất tổ. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn giảng dạy tiếng Khmer với mong muốn các em có điều kiện tốt hơn để hòa nhập cộng đồng.
“Ưu tiên hàng đầu là dạy các em biết chữ. Việc dạy tiếng Việt ở ngôi trường này thì việc biết đọc, biết viết là một chuyện. Điều quan trọng là mình muốn giúp cho các em hiểu được nguồn cội, nguồn gốc, giữ được ngọn lửa dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, mình lồng ghép những bài về phong tục tập quán của người Việt Nam, lịch sử Việt Nam với những nội dung nhẹ nhàng dễ hiểu. Còn về lớp học tiếng Campuchia/Khmer thì mình cũng áp dụng chương trình của nước sở tại.” - Thầy Nguyễn Văn Hào cho biết thêm.
Bên cạnh các giờ trên lớp, thầy Hào cũng tổ chức nhiều hoạt động tập thể để giáo dục các em về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẻ chia với người Campuchia bản xứ.
Dẫu cái khó, cái nghèo vẫn còn hiện hữu nơi đây, nhưng với lòng đam mê, nhiệt huyết của những người đang ngày đêm miệt mài bám trường, bám lớp, hết lòng vì học sinh thân yêu như thầy giáo Nguyễn Văn Hào, những con chữ trên đất nước Chùa Tháp vẫn được ươm mầm, nảy nở.
Viết bình luận