Đổi thay từ dự án 135 ở Canh Nậu
Thứ sáu, 00:00, 27/07/2018 Việt Phú BT CT + 2 ảnh Việt Phú BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN - Từ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình 135 mà nhiều xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Yên Thế, Bắc Giang những năm gần đây có nhiều thay đổi.

Xã Canh Nậu, là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, nơi  tập trung phần lớn là đồng bào dân tộc Nùng. Vài năm về trước, việc đi lại giữa các thôn bản với nhau hay lên đến trung tâm xã là cả một thách thức đối với bà con mỗi khi mùa mưa về… Mưa xuống, Canh Nậu biến thành một vũng bùn đất lầy lội, trơn trượt…

 

Anh Hà Văn Điều người dân bản Đồng Cả, xã Canh Nậu là người đã gắn bó với mảnh đất này từ nhỏ nên anh hiểu thế nào nỗi vất vả, những khó khăn của bà con nơi đây.. năm 2014 khi chưa có đường việc đưa con cái đi học phải dùng máy cày, vì đường trơn, lầy lội xe máy không thể đi được. Thậm chí, xe máy nếu muốn đi phải buộc thêm xích sắt vào bánh cho khỏi trơn.

 

 

Vào những ngày mưa đường vào xã chỉ toàn bùn đất.


Nhưng đó là câu chuyện của 4 năm về trước, còn hiện tại, thay vào những con đường lầy lội bùn đất như trước kia là những cung đường được bê tông hóa trải dài khắp trong thôn ngoài ngõ. Bà con đi lại đã thuận tiện hơn. Ai cũng phấn khởi bởi có đường, ngoài việc hưởng lợi từ giao thông thì việc giao thương, trao đổi hàng hóa cũng đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều. Đổi thay đó chính là nhờ vào chương trình 135 được triển khai ở các xã đặc biệt khó khăn và Canh Nậu là một điển hình. Không những cơ sở hạ tầng được nâng cấp mà dựa vào nguồn vốn của chương trình 135, đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình trong toàn xã cũng ngày một nâng cao. 

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Mến, người Cao Lan ở  bản Quỳnh Trang xã Canh Nậu, là hộ nghèo của thôn, từ ngày thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng bưởi diễn và bưởi da xanh. Tuy mới năm đầu thôi, nhưng cũng đã thấy nhiều tín hiệu lạc quan trước mắt. Theo dự đoán của chị Mến, chỉ 2 năm nữa thôi, 134 cây bưởi diễn mà gia đình đang chăm sóc sẽ cho thu hoạch và mang về một khoản tiền kha khá.

 

 

Nhiều gia đình đã làm giàu từ thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

 

Theo ông Lăng Thành Vũ, phó trưởng phòng dân tộc huyện Yên Thế, nhờ  chương trình dự án 135 mà hầu hết các xã thuộc diện khó khăn đã có điều kiện vươn lên. Từ nguồn vốn của chương trình, trong năm 2017, huyện Yên Thế  đã đầu tư xây dựng 12 công trình hạ tầng với mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, trong đó có 8 công trình giao thông, 4 nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhờ đó mà người dân có thêm cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn của chương trình cũng đầu tư gần 3 tỷ đồng  để xây dựng 11 mô hình phát triển sản xuất với 435 hộ nghèo tham gia. Dự án hỗ trợ sản xuất đã tạo điều kiện tích cực cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho người dân.

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC