Gia đình anh Lò Văn Mai, dân tộc Thái, ở bản Nậm Đanh, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) vừa ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2020. Nhà đông con, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào việc cấy hái từ mấy sào ruộng 1 vụ và một ít đất nương trồng ngô, sắn.
Anh Mai chia sẻ: Gia đình tôi có 7 khẩu mà chỉ có 2 vợ chồng đi làm, nên gặp rất nhiều khó khăn. Giờ các con đang ăn học, phải trang trải nhiều khoản chi phí nên gia đình không có tiền để mua thẻ bảo hiểm y tế. Bây giờ ốm đau thì gia đình đành phải tự khắc phục chạy chữa ở nhà thôi.
Xã Nậm Sỏ có gần 1.400 hộ và trên 7.800 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Thái và Mông chiếm trên 93%. Năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của xã đạt trên 90%, nhưng từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chỉ còn trên 10%. Người dân không có thẻ bảo hiểm y tế, nên trạm y tế xã cũng thưa thớt người đến khám bệnh. Thuốc nhập về thì thừa nhiều, cận hạn, nên trạm buộc phải luân chuyển xã khác, hoặc trả lại cho đơn vị quản lý.
Dù địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng cuộc sống của nhiều hộ dân vẫn còn khó khăn.
Ông Lường Văn Nguyên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên cho biết: Điều kiện kinh tế, xã hội của người dân ở xã Nậm Sỏ còn rất nhiều khó khăn, giờ không có thẻ khám chữa bệnh, cuộc sống càng khó khan hơn. Bây giờ người dân không có tiền để mua lại thẻ bảo hiểm đã bị cắt, nên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám chữa bệnh của Trạm, kéo theo là tỷ lệ khám chữa bệnh của Trạm cũng rất thấp so với những năm trước.
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lai Châu có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng nghĩa với việc các địa phương này không còn thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này kéo theo gần 106 nghìn người bị cắt giảm việc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, khiến tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của địa phương từ gần 97% giảm xuống còn hơn 73%.
Việc tụt giảm tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đột ngột có nguy cơ ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tham gia Bảo hiểm y tế là giải pháp hữu hiệu giúp người dân giải quyết khó khăn khi đau ốm phải đi khám chữa bệnh, nhất là đối với đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lai Châu hiện đang tích cực phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế, từ đó tích cực dành kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: Chúng tôi đã phân ra từng nhóm đối tượng để tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng. Và đặc biệt là cũng phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho tỉnh, để có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người dân. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND từ cấp huyện, cấp xã đến từng thôn, bản để tuyên truyền cho người dân hiểu và quay lại tham gia bảo hiểm.
Cuộc sống của người dân vùng cao Lai Châu chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp
Từ thực tế tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại Lai Châu và nhiều địa phương bị giảm đột ngột do quy định vùng mới áp dụng, để đạt mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội và có 97% người dân tham gia bảo hiểm y tế vào cuối năm 2021 theo Kế hoạch của tỉnh Lai Châu, ngoài nỗ lực của địa phương thì rất cần sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn từ các Bộ, ngành Trung ương.
Ông Tao Văn Giót, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho biết: Đối tượng thụ hưởng chỉnh sách về bảo hiểm y tế bị giảm đi có tác động rất lớn đến việc bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân; nếu tiếp tục thực hiện ngay chính sách đó, thì đời sống người dân càng khó khăn hơn. Vì vậy, Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương nên xem xét gia hạn thời gian thực hiện chính sách; để cơ quan chức năng và địa phương có thời gian tuyên truyền, vận động, để người dân tiếp cận dần dần.
Chủ trương xây dựng nông thôn mới đang mang đến diện mạo mới và làm thay đổi cuộc sống người dân vùng cao theo hướng tích cực. Tuy nhiên, thực tế là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng cao, biên giới đang gặp khó khăn vì bị cắt giảm các chính sách mà trước đây họ được thụ hưởng. Vì vậy, bà con mong muốn cơ quan chức năng có những điều chỉnh về chính sách, trước hết là giãn thời gian cắt giảm để họ có lộ trình tiếp cận, như thế, cuộc sống của họ sẽ bớt khó khăn hơn./.
Nguyễn Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận