Khắc phục tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được” ở vùng dân tộc thiểu số
Thứ sáu, 13:35, 08/09/2023 Thanh Hiếu/VOV miền Trung Thanh Hiếu/VOV miền Trung
VOV4.VOV.VN - Hai năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Quảng Bình gặp một số vướng mắc, dẫn đến tình trạng các dự án chậm giải ngân. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, nhu cầu về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế... còn rất lớn. Vậy mà, tại địa phương này đã và đang xảy ra tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”.

 

Xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, bà con chủ yếu làm nương rẫy. Toàn xã có 40% dân số thuộc diện hộ nghèo. Xã này đang thụ hưởng một số dự án trong 10 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, công trình nước sạch... Ông Hồ Văn Lình, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, hiện các dự án chậm giải ngân do vướng mắc thủ tục. Một số nội dung của Chương trình chưa có hướng dẫn, địa phương lúng túng, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Xã Kim Thủy đang thiếu quỹ đất để bố trí cho bà con xây nhà ở và đất để sản xuất. Nguồn hỗ trợ của Chương trình mỗi nhà chỉ 40 triệu đồng là quá thấp, trong khi đó giá vật liệu, tiền nhân công cao không đủ để làm 1 ngôi nhà đảm bảo 3 cứng. Theo ông Hồ Văn Lình, trong lúc thực hiện, cán bộ cơ sở vừa làm, vừa nghiên cứu các văn bản, hướng dẫn mất rất nhiều thời gian.

“Các Thông tư hướng dẫn đang chồng chéo, mong muốn của chính quyền đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì văn bản của các ban, ngành phải thống nhất để hướng dẫn cụ thể. Về cách làm ở cơ sở thì phải có cơ chế đặc thù hơn so với các chương trình khác để dễ giải ngân, chương trình sớm đến với đồng bào.” - Ông Hồ Văn Lình cho biết.

Bà con dân tộc Vân Kiều ở xã Kim Thủy đa số là các hộ nghèo, thiếu đất canh tác. Ông Hồ Xon, ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, trồng rừng là hướng đi thích hợp để người dân thoát nghèo nhưng bà con đang thiếu đất sản xuất. Ông Hồ Xon mong muốn sớm được hỗ trợ đất sản xuất, cây con giống và tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Ông Trần Nam Trung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đề xuất cho phép lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp và nguồn vốn đầu tư của Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho dễ thực hiện:

“Đề nghị có hướng dẫn việc ghép 2 nguồn vốn giữa vốn đầu tư của đất ở, nhà ở và vốn sự nghiệp. Từ đó có thể dùng vốn sự nghiệp để tạo đất ở và đất sản xuất cho các hộ gia đình, còn lồng ghép vốn đầu tư giữa hỗ trợ đất ở và nhà ở cùng với các nguồn khác thì có thể làm được nhà cho bà con. Nếu làm được thì Dự án 1 sẽ thực hiện được, còn nếu không thì chắc chắn 2 nguồn vốn cả sự nghiệp cả đầu tư đều không thực hiện được.” - Ông Trần Nam Trung kiến nghị.

Tỉnh Quảng Bình có 15 xã thuộc 5 huyện được thụ hưởng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025, tổng kinh phí thực hiện Chương trình này tại Quảng Bình hơn 1.757 tỷ đồng. Năm ngoái, tỉnh này giải ngân chỉ đạt 13,3% kế hoạch, đến giữa tháng 8 năm nay, mới giải ngân được 9,5% kế hoạch. Nguyên nhân chậm giải ngân do các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chưa thống nhất, thiếu đồng bộ. Nội dung một số chỉ tiêu, quy định chưa rõ ràng, còn chồng chéo, địa phương thiếu căn cứ để phân bổ nguồn vốn.

“Tiền thì có rồi nhưng phải làm việc gì mới quan trọng, công việc mới là điều quyết định. Trong phân bổ vốn cũng vậy, phân bổ vốn theo địa chỉ công việc rõ ràng chứ không phải phân bổ đều về thích làm gì thì làm. Các công việc phải đáp ứng các tiêu chí quy định. Nói là vướng chủ trương nhưng thực ra chủ trương cũng dựa trên cơ sở thực tế, cấp dưới có đề xuất lên các phương án thì mới ra được chủ trương, chứ ngồi dưới chờ đợi chủ trương, chưa có chủ trương thì chưa làm thì không biết khi nào mới xong. Mục tiêu mà không làm được là có lỗi với đồng bào” - Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết./.

Thanh Hiếu/VOV miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC