BÀI 2: "NHẬP NHẰNG KHÓ GỠ"
Khó nhiều bề
Tuy Đức là huyện mới thành lập ở biên giới của tỉnh Đắk Nông. Thổ nhưỡng, khí hậu vùng này phù hợp để phát triển hồ tiêu, cà phê, mắc ca… Đây là nguyên nhân bùng phát về nạn phá rừng, tranh chấp đất. Đỉnh điểm là vụ án “vườn điều” do Đặng Văn Hiến (sinh năm 1975) cùng một số đồng phạm đã nổ súng bắn chết 3 người, làm bị thương 13 người khác trong vụ tranh chấp đất với Công ty Long Sơn (TP. Hồ Chí Minh) đến thuê đất thực hiện dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn xã Quảng Trực vào năm 2016. Nhắc lại vụ án này bởi việc lấn chiếm, tranh chấp đất ở huyện Tuy Đức vẫn âm ỉ chưa dứt tại một số xã, trong đó Quảng Trực.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (trước đây là Lâm Trường Nam Tây Nguyên) đang quản lý 27.277 ha rừng trên địa giới hành chính của 3 xã Quảng Trực, Quảng Tâm, và Đắk Ngo của huyện Tuy Đức. Liên quan đến rừng và đất ở đây, rất nhiều cán bộ lãnh đạo chính quyền cấp xã, cấp huyện đã bị kỷ luật, khai trừ đảng, thậm chí có người phải vào tù. Hơn 5 năm từ cán bộ ở một phòng của UBND tỉnh được điều về nhậm chức Chủ tịch rồi kiêm giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Bình đã quyết không chùng tay với các hành vi phá rừng, đặc biệt là lấn rừng, chiếm đất. Nhờ vậy, rừng do doanh nghiệp này quản lý đã phần nào bình yên. Song để giải quyết hậu quả của trên 3.320 ha rừng do công ty quản lý đã bị xâm lấn, chiếm dụng trái phép trước đây một cách thấu tình đạt lý là một vấn đề nan giải. Một thực tế là: xen kẻ giữa dân tộc thiểu số tại chỗ, dân tộc thiểu số phía Bắc di cư phá rừng chiếm đất, có không ít kẻ đã thực hiện việc mua đi, bán lại vườn cây, đất ở để trục lợi. Những đối tượng này hoặc có mối quan hệ bằng câu kết chia chác lợi ích kinh tế; hoặc bà con thân thích với người có địa vị, chức trách. Họ tìm đủ thủ đoạn để trì hoãn, thậm chí xúi giục kích động, vu khống mỗi khi chính quyền xã và công ty triển khai kế hoạch thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Đơn thư, khiếu kiện tung lên; thanh tra, kiểm tra ấn xuống. Nhưng sự việc vẫn chưa thoát ra khỏi bế tắc.
“Cơ chế chính sách của chúng ta thì nó còn chồng chéo nhiều, nó chưa rõ. Cho nên nó còn những nội tại ở đó. Rồi người dân thì như thế, trình độ dân trí như thế, một số đối tượng kích động, thì cả một loạt những vấn đề...” - Ông Bình bộc bạch.
Tại lâm phần của Công Ty Nam Tây Nguyên đã xác định 365 hộ dân xâm chiếm 2.400 ha để trồng cây công nghiệp và dựng nhà. Điều lạ lùng là hiện ở đây còn trên 320 vị trí, với gần 1 nghìn ha là vườn cây công nghiệp nhưng chưa xác định rõ chủ nhân là ai. Từ năm 2018 lại đây, công ty đã thực hiện 12 dự án phục hồi, phát triển rừng bằng hình thức ký hợp đồng với 263 hộ, diện tích 680 ha. Như vậy, chỉ hơn 20% trong tổng số 3.320 ha đất bị xâm lấn của công ty này được giải quyết bằng việc ký liên kết đầu tư sản xuất nông-lâm và giao khoán vườn cây.
Kiên quyết nhưng cần thấu lý đạt tình
“Về vấn đề này, tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý. Trên cơ sở quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Ban Bí thư, của Ban Kinh tế Trung ương trong đợt kiểm tra về tình hình sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành quyết định để giải quyết vấn đề về tồn tại trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có việc đất lấn chiếm. Chúng tôi yêu cầu các chủ rừng, trong đó có Công ty Nam Tây Nguyên rà soát thống kê xây dựng các phương án sử dụng diện tích này. Đồng thời có kế hoạch đưa vào phương án quản lý rừng bền vững, đúng quy định của pháp luật.” - Ông Lê Quang Dần, phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông nói về việc giải quyết số hộ đã phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp lập vườn, xây dựng nhà cửa ở địa bàn.
Gia đình ông Khưu, có hộ khẩu ở thôn 8, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) nhưng lại canh tác ở vùng đất hiện là lâm phần của Công Ty Nam Tây Nguyên (Đắk Nông). Ông Khưu là người S’Tiêng, lấy vợ người M’Nông và sinh sống ở đây hàng chục năm qua. Tập quán của người M’Nông là họ phát khoảnh rừng chừng 2 đến 3 ha để trỉa lúa và hoa màu một vụ rồi bỏ hoang; năm sau lại phát khoảnh rừng khác để trồng trỉa, rồi lại bỏ. Chu kỳ khoảng 3 đến 4 năm, sẽ trở lại đám rẫy ban đầu để canh tác. Họ không du canh du cư mà chỉ thực hiện luân canh để tận dụng độ phì nhiêu của lớp mùn thực vật cho việc tỉa lúa, hoa màu.
“Chúng tôi đã sinh sống, canh tác làm ăn ở đây từ rất lâu năm. Con của tôi sinh ra ở đây nay chúng nó đã có vợ có con. Chúng tôi muốn Nhà nước, muốn tỉnh Đắk Nông và Bình Phước tạo điều kiện để chúng tôi ổn định sản xuất. Giờ nếu chuyển đi nơi khác thì không biết làm gì để sinh sống.” - Ông Khưu cho biết.
Nhiều người ở đây khẳng định cha ông họ đã canh tác ở vùng đất này trước khi có Lâm trường Nam Tây Nguyên. Điểu Bức, người M’ Nông (sinh năm 1976) cho biết anh và vợ đã làm rẫy theo lối luân canh ở đây từ năm 1996, những nương rẫy này cũng do chính cha mẹ của mình từng canh tác trước đây. Năm 2012, chính quyền huyện Tuy Đức tiến hành giải toả khu vực này, bàn giao cho Công Ty Nam Tây Nguyên quản lý. Điểu Bức phải chuyển nơi khác sinh sống. Nhưng không có đất canh tác, năm 2016 anh cùng một số gia đình quay trở lại vùng đất thuộc tiểu khu 1500, 1504 này tiếp tục làm nương rẫy cho đến hiện nay.
“Chúng tôi 69 hộ dân ở đây là dân tộc M’Nông, S’Tiêng, biết rằng chúng tôi ở đây không phải hộ khẩu thường trú ở Đắk Nông. Nhưng mong muốn làm sao hai tỉnh giải quyết cho chúng tôi ổn định trong cuộc sống. Đất đai chúng tôi chỉ có khu này thôi. Mong muốn chúng tôi được ổn định canh tác sản xuất như trồng điều, trồng cây có giá trị kinh tế. Dân bây giờ không nghĩ đến phá rừng, lấn rừng để canh tác nữa, chỉ sản xuất trong diện tích đã bàn giao thôi.” - Ông Điểu Bức kiến nghị.
Một giải pháp bảo vệ rừng mà Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên áp dụng từ năm 2018 đối với các hộ dân ở đây là thực hiện dự án trồng rừng kinh tế. Cụ thể đã ký hợp tác với nhóm hộ này, trồng 107 ha điều thực sinh ở tiểu khu 1500 và 1504. Công ty cũng đã thực hiện việc thuê 9 người trong những gia đình này lập thành đội bảo vệ 500 ha rừng tự nhiên giáp ranh với rừng trồng của họ. Điểu Bức cho biết: năm 2018 anh đã ký hợp đồng với công ty trồng 4 ha điều trên phần đất rẫy của gia đình. Vụ thu hoạch vừa qua, tuy mất mùa nhưng cũng thu 2 tấn hạt, bán được gần 50 triệu đồng. Điểu Bức cũng tham gia và làm trưởng nhóm 9 thành viên bảo vệ 500 ha rừng tự nhiên của Công Ty Nam Tây Nguyên. Mỗi năm công ty trả cho cả nhóm là 150 triệu đồng.
Việc hợp tác trồng rừng kinh tế và thuê giữ rừng mà Công ty Nam Tây Nguyên áp dụng với các hộ người S’Tiêng và M’ Nông ở vùng giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông, Bình Phước chỉ là giải pháp tình thế để giữ rừng trước mắt và trong một điều kiện, thời gian nhất định. Điều này không thể nhân rộng, phổ cập với hàng chục ngàn trường hợp khác trên địa bàn Đắk Nông. Giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn rừng lập vườn, dựng nhà ở tỉnh này vẫn đang nhập nhằng khó gỡ./.
Viết bình luận
Tin liên quan
Chi tiết chính sách hỗ trợ HS và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn
VOV4.VOV.VN - Chính phủ vừa ban hành VB hợp nhất Nghị định quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Chi tiết chính sách hỗ trợ HS và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn
VOV4.VOV.VN - Chính phủ vừa ban hành VB hợp nhất Nghị định quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
VOV4.VOV.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký văn bản 666/TTg-QHĐP về việc khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
VOV4.VOV.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký văn bản 666/TTg-QHĐP về việc khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia.