BÀI 3: “NHỮNG NỤ CƯỜI DƯỚI TÁN RỪNG BÌNH YÊN”
Mô hình làng hoa nhuốm màu cổ tích
Đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) phối hợp với xã Đắk Tăng cùng bà con làng Vi Rơ Ngheo tổ chức lễ ra mắt: Làng văn hóa - du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, với nhiều loại hình du lịch đặc thù như: Du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa bản địa.
Vi Rơ Ngheo có 63 hộ, hơn 300 khẩu là dân tộc Xơ Đăng. Vì sao một làng nhỏ, nhiều hộ mới thoát nghèo, cách xa thị trấn Măng Đen- trung tâm huyện Kon Plông đến 40 km lại trở thành làng du lịch đầy triển vọng cuốn hút du khách? Câu chuyện xuất phát từ A Hiền - thủ lĩnh của dân làng Vi Rơ Ngheo, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hơn 10 năm trước, A Hiền vận động các hộ nhận hơn 1.000 ha rừng bao bọc quanh làng để khoanh nuôi, bảo vệ. Từ những chuyến tuần rừng, A Hiền cùng đám trai làng đã chọn những cây phong lan mang về, gắn lên cành cây ở các ngọn đồi bao bọc quanh làng, giá lên hàng rào, cổng nhà. Khí hậu vùng này hợp với phong lan, cây phát triển tốt, hoa thay nhau rộ suốt mùa xuân đến mùa hạ. Đến nay dân làng Vi Rơ Ngheo đã sưu tầm, nhân giống trồng trên 1.000 chậu địa lan và phong lan; khoanh nuôi, bảo tồn 5 đồi hoa phong lan và sim, mua quanh làng. Họ đã tận dụng những vật liệu sẵn có như: Những cây gỗ chết để làm cổng chào, hàng rào gắn hoa lan; khai thác đá dưới suối dựng thành lối đi, tạo cảnh quan và không gian nhuốm màu cổ tích. A Hiền cho biết: đàn trâu của gia đình anh hiện nay đã lên đến 16 con. Đó là chưa kể số trâu đã bán trong những năm qua hơn chục con. Đàn trâu này cũng sinh sôi từ hai con trâu giống mua từ khoản tiền dịch vụ môi trường rừng cách đây hơn 10 năm. Một phần kinh phí để xây dựng làng Vi Rơ Ngheo thành làng du lịch, được lấy từ khoản tiền do dịch vụ môi trường tỉnh Kon Tum chi trả.
Ông Nguyễn Văn Bảy, phó Chủ tịch UBND xã Đắk Tăng khẳng định: 'Từ khi bà con nhận quản lý, bảo vệ rừng, trên địa bàn của xã tuyệt đối chấm dứt tình trạng khai thác gỗ trái phép, hay lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Trên địa bàn xã, diện tích rừng hiện nay giao cho cộng đồng là rất lớn, trên 10 nghìn ha. Giao cho thôn Vi Rơ Ngheo và Đăk Brồ là 110 hộ. Hiện nay, diện tích này được cộng đồng nhân dân quản lý rất tốt. Bà con cũng sử dụng tốt số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả để phát triển kinh tế hộ gia đình.”
Khai thác thế mạnh của Quốc bảo Sâm Ngọc Linh
Nếu như ở huyện Kon Plông, bà con dân tộc thiểu số thực sự trở thành chủ rừng, gắn với rừng để thoát nghèo bền vững bằng việc chăn nuôi gia súc, phát triển du lịch, thì ở huyện Tu Mơ Rông nhiều người đã giàu lên nhờ nhận rừng bảo vệ, khoanh nuôi rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Tu Mơ Rông có hơn 2/3 diện tích là rừng tự nhiên, nhiều khu vực có độ cao từ 1.700 đến hơn 2.000 mét so với mực nước biển, phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh - được mệnh danh Quốc Bảo.
Anh Nguyễn Xuân Tuấn là điển hình về trồng sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông. Là kỹ sư nông nghiệp, có nhiều năm chuyên hỗ trợ khách hàng trồng phát triển rau xanh và các loại cây dược liệu ở Bình Phước. Một lần đến tỉnh Kon Tum thăm mô hình sâm Ngọc Linh, anh bị cuốn hút đặc biệt bởi loài cây này. Về lại Bình Phước, anh bàn với vợ bán hết nhà cửa, gom góp thêm vốn liếng, đến xã Tu Mơ Rông mua 10 ha đất rẫy và thuê thêm 100 ha rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Trái với mọi người mua rẫy để lập vườn trồng cây công nghiệp, vợ chồng anh Tuấn mua rẫy để nuôi rừng tái sinh. Sau gần 11 năm ngủ dưới tán rừng, thức bên luống sâm, đến nay vườn sâm Ngọc Linh của anh đã có giá trị rất lớn, gấp hơn chục lần số tiền 10 tỷ đồng anh bán nhà ở Bình Phước trước đây.
"Bỏ phố lên rừng thì cũng gom hết tài sản ở phố đem về rừng. Nếu mà có vốn ít thì mình nhân nó chậm. Vài trăm triệu đồng cũng có thể trồng được, vài ba chục triệu cũng có thể trồng được. Những năm gần đây thì tập trung nhân giống, cũng có đưa ra thị trường, nhưng mà ít. Chỉ tập trung cho xã viên, hội viên thôi. Năm vừa rồi phát triển khoảng 3 nghìn cây.” - Anh Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ.
Không chỉ tận dụng tán rừng để làm giàu cho gia đình, anh Tuấn còn thành lập hợp tác xã với 30 thành viên là dân tộc Xê Đăng ở địa phương nhận rừng bảo vệ và phát triển cây sâm. Hộ nào giờ cũng đã trở nên khá giả. A Bráp trước kia chuyên làm nghề săn bắn và tìm kiếm sâm rừng trên các sườn núi, nay trở thành người chăm sóc vườn sâm cho anh Tuấn với thu nhập ổn định. A Bráp cũng là thành viên của HTX, và còn có vườn sâm Ngọc Linh riêng của mình.
“Vợ chồng anh Tuấn đã san sẻ giống sâm Ngọc Linh cho tôi trồng dưới tán rừng. Vườn sâm của tôi phát triển tốt. Giờ được khoảng 1.100 cây, trị giá hơn bảy, tám trăm triệu đồng.” - Anh A Bráp cho biết.
Ông Võ Trung Mạnh, chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đưa chúng tôi đến thăm một số vườn sâm Ngọc Linh của bà con người Xơ Đăng được trồng dưới những tán rừng tự nhiên. Đặc thù của cây sâm Ngọc Linh chỉ sinh trưởng từ lớp mùn của lá cây rừng hoai mục, nhất là những khu rừng già. Hiện, toàn bộ 11 xã trong huyện đã có 1.700 ha sâm Ngọc Linh, trong đó 7 xã đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
“Trong khoảng chục năm trở lại đây thì người dân có ý thức trồng cây sâm Ngọc Linh. Thông qua phát triển cây sâm Ngọc Linh người dân đã xoá đói giảm nghèo. Trong 3 năm qua đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo nhờ cây sâm Ngọc Linh, trong đó có hàng trăm hộ làm giàu, có những hộ thu nhập rất cao, trên chục tỷ đồng mỗi năm.” - Ông Võ Trung Mạnh cho biết.
Kon Tum hiện có hơn 3.300 hộ, 168 cộng đồng dân cư nhận quản lý bảo vệ 375.000 ha rừng. Là tỉnh dẫn đầu ở khu vực Tây Nguyên trong việc thực hiện hiệu quả quyết định của Chính phủ về giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cộng đồng, cá nhân quản lý bảo vệ. Nhờ đó, nhiều hộ dân tộc thiểu số sống gần rừng có thêm việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao mọi mặt đời sống. Đồng thời rừng cũng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ ngày càng nâng lên. Từ hiệu quả thiết thực này, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu tất cả các đơn vị chủ rừng, phải giao cho các cộng đồng, gia đình sống gần rừng quản lý trên 50% diện tích của đơn vị đó. Và như thế, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nụ cười tươi, dưới những tán rừng bình yên./.
Viết bình luận