Hiệu quả Tổ thông tin, truyền thông tại biên giới Lạng Sơn
Thứ tư, 15:08, 11/05/2022 Thu Ha bt- 3 ảnh Thu Ha bt- 3 ảnh
VOV4.VN - Tổ thông tin, truyền thông tại các xã, thị trấn biên giới của Lạng Sơn là lực lượng nòng cốt uyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và những nội dung liên quan đến biên giới, đối ngoại, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.

 

Những ngày này, tại cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) dù hoạt động giao thương không sôi nổi như thời gian trước nhưng mọi thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nội dung liên quan đến biên giới, đối ngoại đều được nhanh chóng phổ biến đến người dân địa phương thông qua các Tổ thông tin truyền thông.

Ông Vi Văn Như, người dân thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình chưa bao giờ bỏ lỡ bất kì một buổi họp tuyên truyền nào tại thôn bản, khu dân cư và việc lắng nghe những nội dung, tin tức từ Mô hình “Tiếng loa Biên phòng” hàng ngày đã trở thành một thói quen.

Ông Như chia sẻ, mấy năm nay, công tác tuyên truyền giữa lực lượng chức năng và chính quyền rất hiệu quả trong việc việc bảo vệ trật tự an ninh, giữ gìn đường biên, cột mốc cũng như trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Người dân hiểu, nắm rõ, qua đó thực hiện tốt những quy chế về biên giới, không vượt biên trái phép, không tiếp tay cho hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. Bà con đều chấp hành tốt, đồng tình cao và mọi người đều có ý thức tham gia bảo vệ an ninh biên giới, nâng cao nhận thức để bảo vệ bản thân trước đại dịch.

Qua công tác tuyên truyền, đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng công tác xây dựng và bảo vệ biên giới

Thành viên của Tổ thông tin truyền thông tại cửa khẩu Chi Ma gồm các chiến sĩ đồn Biên phòng cùng cán bộ chính quyền các xã biên giới trên địa bàn. Nhiều hình thức đa dạng được các tuyên truyền viên áp dụng như tuyên truyền lưu động qua hệ thống loa phát thanh, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, hội họp của đoàn thể hay kết hợp “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Nội dung truyên truyền lồng ghép các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Hiệp định, Hiệp nghị và quy chế quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa ở khu dân cư… 

Thượng tá Nguyễn Bá Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cho biết: Chúng tôi đã tuyên truyền nhiều quy định về Quy ước, hương ước trong việc thực hiện các lễ hội hay lễ tang, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đặc biệt là công tác phòng chống dịch COVID-19. Nếu như trước kia hoạt động xuất nhập cảnh trái phép ở địa bàn rất nóng thì 2 năm qua, tình trạng này cũng như những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong quần chúng nhân dân đã giảm đi rất nhiều.

Với phương châm đa dạng hóa các hình thức đưa pháp luật đến khu vực biên giới, các Tổ thông tin truyền thông triển khai nhiều mô hình hay, thiết thực với tình hình đời sống xã hội trên địa bàn. Không chỉ thông qua tài liệu, tờ gấp, các tuyên truyền viên còn kết hợp hình thức “sân khấu hóa” qua tiểu phẩm, kịch ngắn; xây dựng các tranh cổ động, pa-nô, áp phích với nội dung thông tin truyền thông và đối ngoại…  Tất cả đều gần gũi với tập quán, văn hóa và trình độ, tâm lý tiếp nhận của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Các Tổ thông tin truyền thông triển khai nhiều mô hình hay, thiết thực với tình hình đời sống xã hội trên địa bàn

Ông Lý Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình đánh giá: Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong tuyên truyền có sự phối hợp hết sức nhịp nhàng và hiệu quả, nhờ đó những năm qua, người dân đều nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm những chủ trương, quy định tại khu vực biên giới. Bất kể ngày nắng, ngày mưa Tổ thông tin truyền thông  trực tiếp đến nhà dân để tuyên truyền, tận tâm, tận lực và hết sức nhiệt tình trong công việc.

Trong 44 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai chương trình phối hợp thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới, Lạng Sơn là địa phương được đánh giá cao với mô hình 21 Tổ thông tin truyền thông của các đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới; 13 Tổ tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại cơ quan Bộ Chỉ huy và các đơn vị cơ sở. Về hạ tầng, Sở thông tin truyền thông tỉnh Lạng Sơn cũng đã bố trí đầu tư 13 cụm thông tin cơ sở tại 06 xã biên giới, 05 phương tiện tác nghiệp tại 05 xã biên giới trên địa bàn tỉnh; nâng cấp và duy trì Cụm thông tin đối ngoại tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hệ thống màn hình LED tại cửa khẩu Chi Ma, hệ thống truyền thanh cửa khẩu Tân Thanh...

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian tới, các đơn vị, lực lượng sẽ gắn bó với nhau không chỉ trong chương trình này mà còn ở nhiều nội dung khác để cùng nhau làm tốt công tác thông tin truyền thông và thông tin đối ngoại, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có thể thấy, các Tổ tuyên truyền chính là lực lượng nòng cốt, với đủ các thành phần của hệ thống chính trị đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung cũng như những nội dung liên quan đến biên giới, đối ngoại nói riêng. Qua đó, đồng bào các dân tộc thiểu số suốt một dải vùng biên xứ Lạng được nâng cao hiểu biết về vị trí, tầm quan trọng công tác xây dựng và bảo vệ biên giới, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.

 

Duy Thái/VOV Đông Bắc

Thu Ha bt- 3 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC