Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Y Thông cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc UBDT. Cùng tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành ở Hà Nội.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 được ban hành khá đầy đủ, toàn diện đã tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội vùng như: Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; chính sách đầu tư phát triển bền vững; chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số…
Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2022, đến nay, việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành với 32/33 văn bản được ban hành. Tổ công tác về Chương trình đã được thành lập. Tại địa phương, 50/50 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh và cấp huyện.
Về nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện Chương trình là 47.057 tỷ đồng; giao kinh phí nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình năm 2022 là hơn 14.400 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 9.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 5,4 tỷ đồng. Đến ngày 30/1/2023, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình năm 2022 tại các địa phương trên cả nước đạt trung bình 42,53%.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số nội dung của chính sách sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 còn thiếu đồng bộ, chưa có định mức hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng thụ hưởng. Việc bố trí nguồn lực cho chính sách chưa phù hợp với mục tiêu, nội dung và thời gian thực hiện chính sách.
Văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của một số bộ, ngành chưa rõ, hướng dẫn chưa cụ thể, chi tiết gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện ở địa phương… Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 55% tổng số hộ nghèo cả nước; việc tiếp cận các dịch vụ xã hội ở mức thấp so với bình quân chung cả nước; việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 còn thiều đồng bộ và việc bố trí nguồn lực cho chính sách chưa phù hợp với mục tiêu, nội dung và thời gian thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế để tháo gỡ khó khăn của các địa phương trong thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn 2023-2025. Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh thực hiện Chương trình cần nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin báo cáo thực hiện chương trình theo đúng quy định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh lại những khó khăn đặc thù của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quá trình triển khai Chương trình cũng đối mặt với nhiều rủi ro do hệ thống quy định chồng chéo, khác nhau khi Chương trình này phải lồng ghép với hai Chương trình còn lại. Quá trình triển khai Chương trình còn chậm, kéo theo việc tỷ lệ giải ngân năm 2022 ở mức chậm nhất với 42,53% so với tỷ lệ bình quân 57,7% của cả 3 Chương trình, tính đến 30/1/2023.
Về kiến nghị cụ thể của Ủy ban Dân tộc đối với Chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành liên quan hoàn thành văn bản kiến nghị, trình Chính phủ trước ngày 15/2 để sớm có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh năm 2023, việc triển khai và giải ngân cả 3 Chương trình sẽ gặp nhiều áp lực. Đối với Chương trình này, áp lực ở việc nguồn vốn bị dồn lại do giải ngân trong năm 2022 còn thấp. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư cho Chương trình trong năm 2023 tăng 41% so với năm 2022.
Với tình hình trên, Phó Thủ tướng đề nghị cần giải quyết cho được việc lồng ghép, chồng chéo các quy định ở 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, cần tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; xử lý vướng mắc ngay từ cấp cơ sở../.
Viết bình luận