Cà Mau nỗ lực xóa bỏ những tập tục có hại
Thứ tư, 09:28, 04/12/2024 Hoàng Thái Hoàng Thái
VOV4.VOV.VN - Tại tỉnh Cà Mau, dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai tại 29 xã, thị trấn của 7 huyện, trừ thành phố Cà Mau và huyện Ngọc Hiển, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

 

Nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu bình đẳng giới

Xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Xã có 4 ấp đặc biệt khó khăn. Để thực hiện hiệu quả Dự án 8, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Khánh Bình Đông đã ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng và địa chỉ tin cậy với nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Xóa bỏ những tập tục  có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong cộng đồng.

Tổ truyền thông cộng đồng với cơ cấu thành phần gồm bí thư chi bộ, trưởng ấp, ban công tác Mặt trận ấp cùng các hội đoàn thể. Với vai trò, trách nhiệm nhiệt tình cùng với những kinh nghiệm từ thực tế, các thành viên tổ truyền thông cộng đồng không chỉ tích cực tuyên truyền mà còn gần gũi, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Từ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, các gia đình trong ấp không có xảy ra trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ ba và không bạo lực gia đình, bà còn chí thú làm ăn, vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ngoài việc ra mắt các tổ truyền thông cộng đồng và các địa chỉ tin cậy, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau còn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, vận hành và quản lý tổ truyền thông; tập huấn, nâng cao năng lực về bình đẳng giới và lồng ghép giới; hội nghị đối thoại chính sách cấp xã.

Ngoài ra, tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, rà soát, nắm bắt nhu cầu của phụ nữ và nam giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo bà Tiêu Việt Tiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà mau, đến thời điểm này, tỉnh đã ra mắt 29 tổ truyền thông cộng đồng, góp phần không nhỏ vào việc kéo giảm tình trạng bạo lực giới, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong gia đình.

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện dự án 8 trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

Giải quyết vấn đề cấp thiết của hội viên phụ nữ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo

Những năm qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã được các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh Cà Mau thực hiện linh hoạt, sáng tạo. Từ đó đã tạo ra nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn xuyên suốt, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững.

Theo đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã chủ động mời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, lớp dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, các hoạt động đó đã giúp chị em có thêm việc làm, thu nhập ổn định.

Ngoài giờ chạy xe ôm, lột vỏ tôm, Bà Nguyễn Thị Vân, Ấp 2, xã Tắc Vân còn tham gia lớp may gia công do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp cùng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cà Mau tổ chức. Mặc dù đã được hỗ trợ thoát cận nghèo nhưng công việc vẫn còn bấp bênh nên sau khóa may gia công, bà Vân mong muốn tiếp tục được tham gia tổ may để có thu nhập ổn định hơn.

Ngoài 2 lớp dạy may gia công, Hội liên hiệp phụ nữ xã Tắc Vân còn phối hợp mở thêm 2 lớp dạy trồng nấm cho lao động nông thôn. Năm 2020, Ấp 1, xã Tắc Vân đã xóa trắng hộ nghèo. Hiện ấp còn 4 hộ cận nghèo. Trong năm 2023, Chi bộ, Ban nhân dân Ấp nhận hỗ trợ, giúp đỡ 1 hộ và năm 2024 đã giúp 3 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

Với những mô hình thiết thực, gần gũi, dễ thực hiện đã được Hội Liên hiệp phụ nữ xã phối hợp triển khai trong thời gian qua nhận được sự ủng hộ rất lớn từ địa phương cũng như chính hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Mỗi năm, Hội Liên hiệp phụ nữ xã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mở miễn phí các lớp dạy nghề theo nhu cầu của đông đảo hội viên. Các lớp ngắn ngày, phù hợp trình độ học vấn, lớp học linh hoạt. Mục tiêu lớn của các lớp dạy nghề là sau khi khóa học kết thúc, người học có thể vận dụng làm việc, tạo nguồn thu nhập ổn định cuộc sống.

Bằng những việc làm sáng tạo, thiết thực, Hội liên hiệp phụ nữ xã Tắc Vân trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhiều phụ nữ nghèo khó khăn có thêm động lực để vươn lên. Qua đó giúp hội viên phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đời sống ngà càng được nâng lên, góp phần thiết thực, có hiệu quả mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế của địa phương./.

Hoàng Thái

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC