Nông dân Tuyên Quang làm giàu từ cây gai xanh
Thứ sáu, 15:05, 03/02/2023 Hoàng Thái/VOV4 Hoàng Thái/VOV4
VOV4.VOV.VN - Lợi nhuận cao gấp nhiều lần cây trồng khác, ít tốn công lao động, lại giúp cải thiện môi trường, dù mới chỉ được đưa về trồng tại Tuyên Quang thời gian gần đây nhưng cây gai xanh đã nhanh chóng được người nông dân xứ Tuyên tin chọn.


Đầu tư gai xanh được cả chì lẫn chài...

Chỉ trong chưa đầy 3 năm, từ chỗ không biết gì về cây trồng này, đến nay, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã sẵn sàng chặt bỏ vườn mía, bãi ngô ven đồi để trồng gai xanh. Tổng diện tích gai xanh toàn tỉnh Tuyên Quang hiện đã lên tới hàng trăm hecta.

Theo những người dân trồng gai xanh, đây là loài cây dễ trồng, thích nghi khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đồng đất ở Tuyên Quang. Mô hình trồng cây gai xanh AP1 tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được triển khai từ tháng 3/2022 với diện tích hơn 15ha/10 hộ tham gia. 

Tại nhà ông Mông Văn Hùng, dân tộc Tày, thôn Khuôn Dáng, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, ông Hùng cho biết, ông đã tham gia mô hình với diện tích gần 10 sào đất. Mặc dù là cây trồng mới, nhưng qua tìm hiểu về lợi ích mà cây gai xanh mạng lại, ông Hùng đã quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn mía để trồng cây gai xanh. Trước khi đi đến quyết định này, ông Hùng đã được một đơn vị chuyên môn tư vấn và cũng có đi thực tế, tham quan mô hình một số nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng và thấy giống cây gai xanh có thể phát triển ở quê mình. Vì thế khi triển khai trồng gai xanh, ông Hùng khá yên tâm.

Clip xem nông dân tuốt vỏ cây gai xanh. 

Sau 14 tháng đưa vào trồng, đến nay, cây gai xanh của gia đình ông Hùng đã cho thu được 5 lần, hiện nay chuẩn bị cho thu hoạch lứa thứ 6. Trong lần thu thứ nhất, do lứa đầu, cây thưa, lên chưa đều, trừ chi phí ông Hùng chỉ đủ tiền trả cây giống nhân công với trung bình 10kg sợi khô/sào (360m2). Đến lứa thứ 2 (50 ngày sau), khi cây gai đã phát triển hơn, mật độ cây cũng dày lên, năng suất đạt đã 20kg/sào. Và đến nay, sau 5 lần thu hoạch, vườn gai xanh đã có bộ rễ phát triển ổn định, mật độ cây lớn, năng suất luôn đạt ít nhất 30kg/sào. 

Theo ông Hùng, từ đầu vụ đến nay, diện tích cây gai xanh của gia đình ông cho thu hoạch đạt hơn 3,4 tạ sợi khô, với giá trị đạt hơn 12 triệu đồng/lứa. Trong khi đó, diện tích này trước đây gia đình ông trồng mía, mức thu nhập tương đương nhưng công làm mía vất vả hơn nhiều. Trong khi trồng cây gai xanh không mất tiền phân bón, công chăm sóc, thu hoạch đều nhàn hơn. Đến nay, ông Hùng vui vẻ khẳng định, việc ông quyết định chặt mía trồng cây gai xanh là đúng đắn, đầu tư như vậy chẳng khác nào "được cả chì lẫn chài" trong vòng 9 năm tiếp theo.

Tại gia đình ông Phạm Văn Cường, thôn Vĩnh Tiến, xã Minh Thanh-Sơn Dương, gia đình trồng 4 sào gai xanh. Trồng cây gai xanh ông chỉ vất vả lứa đầu do mất nhiều công làm cỏ, nhưng đến lứa thứ 2 trở đi khi cây lớn át hết cỏ thì từ khi thu hoạch, sau 1 tuần bón phân, gần như nông dân không phải làm gì nữa. Vốn đầu tư từ lần thứ 2 trở đi mỗi sào chỉ cần 3kg đạm là đủ cho cây phát triển, còn lại nguồn dinh dưỡng sẽ được bổ sung từ nguồn phân tự nhiên từ thân và lá cây sau khi thu hoạch. 

Cũng ở thôn Vĩnh Tiến, chị Vũ Thị Đồng cho biết, chị đã trồng hơn 1 mẫu cây gai xanh. Do năm đầu trồng, năng suất chưa cao nhưng chị cũng đã thu về hơn 40 triệu đồng từ bán vỏ gai cho HTX. Chị Đồng khẳng định, canh tác cây gai xanh dễ mà sản lượng hơn hẳn trồng ngô, sắn. "Làm cái này nhàn mà, người già cũng làm được. Đấy, từ đầu năm đến giờ thu hơn tấn cũng là hơn 40 triệu rồi. Cứ 2 tháng được thu nhập 1 lần”-chị Vũ Thị Đồng chia sẻ.

Những người nông dân ở Sơn Dương đều khẳng định, việc chuyển từ các loại cây trồng khác sang cây gai xanh vừa lợi về kinh tế, vừa lợi về ngày công, khi thu hoạch không cần quá nhiều nhân công, nếu gia đình có khoảng 1 mẫu, chỉ cần từ 4-5 nhân công làm trong 4 ngày là thu hoạch xong, sản phẩm sợi khô làm ra được Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước (Tập đoàn An Phước Viramie) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong vòng 9 năm với giá thu mua ổn định 40.000đ/kg.

Cùng với các xã Phúc Ứng, Tú Thịnh....hiện nay cây gai xanh được phát triển mở rộng tại nhiều địa phương của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang…của tỉnh Tuyên Quang với hơn 200 hộ dân tham gia.

Người đàn ông bỏ nghề từ Hà Nội về quê vận động dân trồng gai xanh

Có một người đàn ông nhiều năm bôn ba làm đủ nghề ở xứ người. Từ việc làm thợ xây dựng, buôn chuyến đến làm thuê. Ở tuổi xế chiều, ông đã quyết định trở về quê nhà để đầu tư phát triển cây gai xanh. Người đàn ông đó là ông Nguyễn Tiến Mạnh, hiện là chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Sơn. 

“Anh Mạnh thì có sang nói chuyện. Thế mới đưa cho cái biểu để đọc. Mình thì cũng nhiều đất nên có cây nào nó cao hơn cây mía thì nình theo ngay”; “Cái này chủ yếu là do chú Mạnh đây thôi. Vì là chú tìm hiểu từ mấy năm trước rồi, năm ngoái chú ấy bắt tay vào làm. Thế thì dân ở đây thì cũng có nhiều nhà làm. Đến giờ này là năm thứ 2 rồi, nói chung cũng đạt hơn cây sắn, ngô”. Đó là chia sẻ của những xã viên HTX nơi ông Nguyễn Tiến Mạnh làm Chủ nhiệm. 

Năm nay 60 tuổi, ông Mạnh là người dám nghĩ, dám làm, biết vận động nhiều hộ dân cùng tham gia để biến ý tưởng của ông thành hiện thực. Theo ông Mạnh, từ chỗ làm nhiều công việc khác nhau, bản thân ông cũng đã nhiều năm làm nông, từng trồng rất nhiều giống cây trên đồng đất xã Tú Thịnh nhưng chưa thực sự có giống cây nào cho thu nhập ổn định, ông luôn trăn trở, mong tìm được giống cây mới giúp gia đình và những người dân trong xã phát triển kinh tế bền vững. Cơ duyên đến với ông khi xem được 1 chương trình giới thiệu cây gai xanh trên Internet. Lúc đó ông Mạnh đã bỏ việc, bắt xe khách từ Hà Nội vào Thanh Hóa tìm đến Công ty An Phước để tận mắt chứng kiến việc công ty phát triển cây gai xanh. Ngay lúc đó, ông Mạnh đã quyết tâm sẽ đưa giống cây này về trồng. Đó là giữa năm 2018. 

Từ ý tưởng đến hành động, gặp đúng thời điểm tỉnh Tuyên Quang khuyến khích đầu tư cho các giống cây trồng mới nhằm khai thác tối đa lợi ích kinh tế từ đồng đất xứ Tuyên, ông Mạnh đã bàn với vợ con thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Phú Sơn "Mình xúc tiến thành lập HTX Nông nghiệp Phú Sơn này để thực hiện mô hình lấy cây gai xanh về trồng thí điểm ở Tuyên Quang. Được sự hỗ trợ rất là cao của bên chính quyền và bên Sở NN thì lúc đấy HTX ký hợp đồng với công ty An Phước để đưa cây này về trồng vào tháng 5/2021. Đến 1/7/2021 thì trồng loạt đầu tiên. Sản phẩm thì lứa đầu trồng năm 2021 thì đã cho năng suất ổn định rồi”. Ông Mạnh cho biết.

Cũng theo chủ nhiệm HTX Phú Sơn, về cường độ lao động, việc trồng cây gai xanh giúp người nông dân tiết kiệm đến 50% công sức so với trồng mía, 30-40% so với các cây trồng khác.    

Định hướng của ngành NN Tuyên Quang trong phát triển cây gai xanh

Sau gần 1 năm bén duyên với đồng đất xứ Tuyên, cây gai xanh đã cho người nông dân những vụ thu liên tiếp, vụ thu nào cũng thắng lợi. Từ kết quả đó, loài cây này đang mở ra hướng đi mới trên đồng đất cũ ở các làng quê vùng cao Tuyên Quang. 

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, tuy là cây trồng mới nhưng sau thời gian triển khai, cây gai xanh đã khẳng định được những ưu điểm của mình. Giống cây này đã và đang tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân tại địa phương. Phát triển cây gai xanh sẽ góp phần cải thiện điều kiện môi trường canh tác và sức khỏe người lao động vì gần như không phải dùng thuốc BVTV, cải thiện độ phì nhiêu đất, chống xói mòn, đặc biệt là trên vùng đất đồi dốc thông qua mức độ che phủ mặt đất, thời gian che phủ của bộ lá và khả năng phát triển sâu, rộng của bộ rễ cây gai.

Bên cạnh đó, với phương thức thu mua sản phẩm là vỏ gai khô, việc tuốt vỏ gai được người dân thực hiện ngay trên đất trồng gai nên toàn bộ phế phụ phẩm được trả lại toàn bộ cho đất. Trồng cây gai xanh liên tục nhiều năm không những không ảnh hưởng đến tính chất đất như đối với nhiều loại cây trồng khác, mà ngược lại độ phì đất ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao.

Cũng theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, hiện Công ty Cổ phần An Phước thuộc tập đoàn An Phước Viramie đã ký với các HTX đứng ra để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con và cung cấp giống đảm bảo chất lượng.

Mô hình liên kết trồng cây gai xanh giúp người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từng bước làm quen với phương thức trồng thâm canh gai hàng hoá để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tạo cầu nối gắn kết nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Mặt khác, từ mô hình này sẽ tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn. 

Tuy nhiên, là cây trồng mới, vấn đề ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang đang xem xét, đó là sự triển nóng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh, bởi từ thực tế nhiều loại cây trồng ở nhiều địa phương trước đây, khi người dân ồ ạt đầu tư vào một loại cây trồng nào đó dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Người dân cần trồng theo diện tích trong vùng quy hoạch hoặc theo khuyến cáo của chính quyền địa phương./. 

Hoàng Thái/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC