Tháng 7 vừa qua, ông Đặng Văn Thành ở thôn Phú Thọ, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Trấn Yên để tái đàn gà phục vụ nhu cầu thị trường Tết. Tuy nhiên, trận ngập lụt do ảnh hưởng bão số 3 vừa qua đã làm toàn bộ lứa gà 4.300 con, trọng lượng từ 1,7 đến 1,8kg/con bị chết, khiến toàn bộ vốn vay trước đó gần như mất hết, bao hy vọng của gia đình bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Sau lũ, nhận được thông tin Ngân hàng giảm lãi suất cho khoản vay của mình đến hết năm, ông Thành như cởi được nỗi lo và nhanh chóng bắt tay vào vệ sinh chuồng trại, vay mượn thêm để tái đàn.
Ông chia sẻ: "Ngập lúc đêm nên không kịp chạy con nào, chết hết gần 8 tấn gà, trị giá khoảng 400 triệu. Gia đình cũng gặp khó khăn. Sau khi bị thiệt hại thì các cán bộ ngân hàng cũng đến thăm hỏi, kiểm tra và cho gia đình biết là sẽ giảm bớt lãi suất khoản đã vay. Gia đình rất cảm ơn và sẽ cố gắng tái đàn và khắc phục xong trong vài năm."
Trận ngập lụt lịch sử trong tháng 9 vừa qua cũng khiến Tổ hợp tác Chu Mai Hương ở thôn 4, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) bị thiệt hại nặng nề, với hơn 1 triệu cây giống quế, cùng nhiều sản phẩm quế, máy móc, hệ thống điện… bị hư hỏng. Thiệt hại lên tới trên 1 tỷ đồng. Sau lũ, cơ sở phải dừng hoạt động, mất khách hàng, chính vì vậy lãi và gốc khoản vay ngân hàng 3,5 tỷ đồng đè nặng lên tâm lý của các xã viên. Việc ngân hàng giảm lãi suất 0,5% cho số tiền đơn vị đang nợ đã giảm bớt áp lực, tiếp thêm động lực cho các xã viên vượt lên sau lũ.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: "Với sự hỗ trợ của Ngân hàng, chính quyền địa phương, Tổ hợp tác đã có điều kiện tốt hơn để khắc phục, khôi phục lại sản xuất. Hiện, cơ sở đã hoạt động lại được khoảng 65%, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục để đến cuối tháng 11 hoặc sang đầu tháng 12 là hoạt động trở lại được 100% công suất."
Theo thống kê, bão số 3 đã làm hơn 3.600 khách hàng vay vốn qua hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng, cụ thể là bị mất nhà cửa, tài sản do ngập úng, sạt lở đất, lũ cuốn trôi.
Ông Tào Việt Hà, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết, trong tổng số hơn 10 nghìn tỷ đồng dư nợ của Chi nhánh thì số bị ảnh hưởng là khoảng trên 2,8 nghìn tỷ đồng. Ngay sau lũ, đơn vị đã tích cực liên hệ với khách hàng để nắm bắt tình hình, qua đó kịp thời đưa ra những biện pháp hỗ trợ phù hợp.
"Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, Ngân hàng Nông nghiệp đã triển khai ngay giảm lãi từ 0,5 đến 2% cho khách hàng; miễn 100% lãi chậm trả, lãi quá hạn từ ngày 6/9 đến hết năm nay, tổng số tiền hỗ trợ miễn giảm lãi khoảng 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra đơn vị còn cơ cấu lại, hoãn thời gian trả nợ với số tiền trên 3 tỷ đồng." - Ông Hà nói thêm.
Trong cơn bão số 3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Yên Bái cũng có hơn 200 khách hàng bị thiệt hại, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng, thiệt hại hơn 5.800 tỷ đồng.
Ông Vũ Trung Kiên, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Đối với khách hàng bị ảnh hưởng do lũ bão hiện BIDV Yên Bái đã giảm trực tiếp lãi suất từ 0,5 đến 2%, tùy theo từng đối tượng khách hàng. Để hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh BIDV Yên Bái cũng sẽ giảm lãi suất từ 0,5 đến 2% cho các gói vay mới từ nay đến hết năm. Bên cạnh đó, BIDV Yên Bái cũng thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Cùng với đó là làm việc với các đơn vị bảo hiểm hỗ trợ khách hàng đối với những khách hàng đã mua bảo hiểm tại BIDV bị thiệt hại bởi cơn bão số 3, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay."
Tổng hợp trong toàn tỉnh, Yên Bái có hơn 7 nghìn khách hàng là các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã… bị thiệt hại do bão số 3 gây ra; tổng dư nợ của số khách hàng này là gần 10.200 tỷ đồng, tập trung vào 3 lĩnh vực, ngành nghề chính là: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ.
Ông Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết, Ngân hàng nhà nước tỉnh đã sớm chỉ đạo các ngân hàng chủ động thông tin đến người dân, doanh nghiệp để họ nắm bắt được cơ chế, chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng, qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân vay vốn có thêm động lực để vượt lên.
"Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng trên địa bàn chủ động khắc phục thiệt hại để sớm đưa hệ thống ngân hàng trở lại hoạt động bình thường, sớm đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng. Áp dụng giảm lãi suất từ 0,5 đến 2% cho khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. Xem xét giảm lãi suất vay mới để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão. Tiếp tục thực hiện cơ cấu tín dụng cho vay đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn vì đây là lĩnh vực rất quan trọng với tỉnh." - Ông Đạt nói.
Đến nay, hàng nghìn người dân, doanh nghiệp ở Yên Bái đã được điều chỉnh thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất vay với tổng số dư nợ hơn 7.100 tỷ đồng. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, phù hợp đã giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn có thêm điểm tựa, niềm tin, động lực vượt qua khó khăn, từng bước hồi sinh sau lũ bão./.
Viết bình luận