Rừng sau bão dữ: Để những cánh rừng thêm sinh khí mới
Thứ bảy, 22:41, 05/10/2024 Vũ Miền/VOV-Đông Bắc Vũ Miền/VOV-Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Bão số 3 gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành nông nghiệp Quảng Ninh với tổng thiệt hại lên tới 25.000 tỷ đồng, bằng một nửa ngân sách của tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Địa phương đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau siêu bão bằng những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với các nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng. Vũ Miền, PV Đài TNVN thường trú khu vực Đông Bắc đề cập trong loạt bài viết về những khó khăn sau bão dữ tại mảnh đất địa đầu Đông Bắc. Bài 2: "Để những cánh rừng thêm sinh khí mới".

 

 Siêu bão Yagi đi qua, hầu hết các diện tích rừng tại Quảng Ninh bị hư hại với phần lớn các cánh rừng cần tới 5-10 năm mới có thể xanh tươi trở lại. Hiện các địa phương miền núi ở Quảng Ninh cùng bắt tay vào giúp người dân khắc phục hậu quả nhưng cũng dấy lên âu lo khi cơn bão đưa tất cả về vạch xuất phát. Vậy người trồng rừng ở Quảng Ninh sẽ làm cách gì để gượng dậy sau bão dữ. 

"Rừng nhà tôi được 3-4 năm bây giờ gãy hết rồi. Giờ chỉ làm củi nên tôi cũng chẳng lên vác được, gãy như người chém. Tái nghèo phải chịu, thiên nhiên mà.

- Bà Trần Thị Vũ, 81 tuổi, người Sán Dìu, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên

"Đi đâu bà con nhìn thấy cũng xót lắm nhưng mà mình làm cán bộ thôn cũng chẳng giúp được gì. Bây giờ chỉ biết đề nghị nâng mức hỗ trợ lên cho người dân, từ 4 triệu lên thành 6 triệu, từ 2 triệu lên thành 4 triệu, gọi là được đủ tiền cây giống cho bà con". 

- Ông Hoàng Văn Sơn, Bí thư, trưởng thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ

"Hôm nay là đi tận thu xem được bao nhiêu. Buồn lắm. Cơn bão làm thiệt hại bao nhiêu, giờ chẳng biết lấy tiền đâu mà trả nợ cho ngân hàng".

- Chị Hoàng Mai Dung, Người Dao huyện Ba Chẽ

Đó là lo lắng, là mong muốn và trăn trở của người trồng rừng ở các huyện miền núi Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu (Quảng Ninh) sau siêu bão Yagi. Thiên tai bất ngờ đặt ra thách thức mới trước mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương vốn có tỷ lệ nghèo cao nhất Quảng Ninh. Hơn 18.000ha rừng bị thiệt hại trên địa bàn huyện Ba Chẽ cũng là nguồn thu nhập chính của hơn 96% dân số cả huyện với. Làm thế nào ổn định cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là điều mà ông Hoàng Văn Sơn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Sơn Hải luôn trăn trở khi hàng ngày đi động viên, cùng bà con người Dao tận thu keo rừng đang khô héo dần sau bão. 

 

Sau bão, chồng chất khó khăn đặt ra với chính quyền địa phương mà trước mắt là cần gấp rút vệ sinh rừng, tạo đường băng cản lửa để tránh thảm họa cháy rừng khi miền Bắc bước vào mùa hanh khô. Khối lượng công việc vô cùng lớn khi sau bão gió bẻ gãy, cuộn tròn cây rừng ở những khu vực đồi núi, địa hình phức tạp... trong khi lao động có sức khỏe và kỹ thuật xử lý cây rừng bị đổ ngã đang thiếu trầm trọng. Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ nên lên những lo lắng trong lòng mình: "Trên 18.000ha thì chắc chắn phải trong vòng 2 năm thì may ra mới trồng lại được. Khả năng cung cấp giống trên địa bàn của chúng tôi hiện nay có khoảng trên 30 cơ sở sản xuất giống, số lượng cây giống chỉ khoảng trên 2 triệu cây, chỉ đảm đủ khả năng cung cấp giống cho khoảng 500ha. Đây cũng là một khó khăn cho huyện nên chúng tôi đang báo cáo với tỉnh để phát triển thêm các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn cũng như là ngoài địa bàn huyện, cố gắng đủ khả năng cung cấp cây giống cho bà con trồng trong 2 năm tới." 

Chỉ vài tiếng quần thảo trên những cánh rừng, bão số 3 đã đánh tan công sức, hoài bão của hàng chục nghìn hộ dân cả đời sống cùng rừng ở Quảng Ninh. Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh đánh giá diện tích rừng cần trồng mới có thể bằng cả nhiệm kỳ cộng lại. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã có những chỉ đạo, giải pháp đồng bộ để giúp người trồng rừng khôi phục sản xuất, đặc biệt là trong những lĩnh vực liên quan đến vốn đầu tư cũng như tiêu thụ những sản phẩm từ rừng hiện nay.

Theo ông Vũ Duy Văn, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách, như Nghị quyết 37 năm 2024 của HĐND tỉnh về hỗ trợ chính sách đặc thù phát triển lâm nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, người dân được hỗ trợ trực tiếp cũng như hỗ trợ về vay vốn ngân hàng, qua đó đã hỗ trợ người trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện quy định tại Nghị định 58 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp trên địa bàn cả nước, ngoài những nội dung đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đề xuất tỉnh hỗ trợ theo đặc thù của từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó có thật nhiều giải pháp đồng bộ để giúp người dân có thể khôi phục sản xuất.

Ngày 17/9 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi). Chính sách đã có và nhiệm vụ cấp bách của các cấp chính quyền là làm thế nào để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, thực chất và hiệu quả. HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đã họp và đưa ra các Nghị quyết về hỗ trợ người dân về nhà ở, học phí; nâng mức trợ cấp xã hội và hỗ trợ trục vớt các phương tiện thủy bị đắm chìm do bão... Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh quyết định xây dựng đề án Khôi phục và tái thiết kinh tế sau bão số 3. Tỉnh thiệt hại khoảng 120 ngàn héc ta rừng, hầu hết là cây keo. Cũng theo Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, mức hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ là quá thấp, cần nâng mức hỗ trợ lên và có những chính sách cụ thể để các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3.

Cục Lâm nghiệp Việt Nam xác định 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có thiệt hại về rừng sau siêu bão số 3, với khoảng 170.000 ha, trong đó 2/3 diện tích tại Quảng Ninh. Một số công ty lâm nghiệp gần như bị xóa trắng rừng trồng, rừng tự nhiên cũng ảnh hưởng nghiêm trọng; tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh giảm hơn 10%, quay về thời điểm những năm 1990 và cần khoảng 10 năm nữa địa phương mới có thể có nguồn cung gỗ và lâm sản như trước bão.

Tái thiết rừng trồng như thế nào để vừa đảm bảo sinh kế cho người dân và vừa nâng cao sức chống chịu của rừng trước thiên tai cực đoan, GS.TS Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và phát triển bền vững, Trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết, trước tiên địa phương cần nhanh chóng đánh giá, thống kê được số liệu và mức độ thiệt hại của rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng phòng hộ để có biện pháp ứng xử khoa học ngay từ bây giờ. Lâm nghiệp là ngành kinh tế đặc biệt, khả năng phục hồi chậm nhưng có ý nghĩa an sinh lớn nên cần tham khảo một số mô hình tiên tiến trên thế giới để tái thiết trồng rừng.

Nhận diện được những khó khăn, thách thức trong hồi phục kinh tế sau thảm họa thiên nhiên chỉ là bước đầu tiên, nhưng bước tiếp theo cũng vô cùng quan trọng là có những chính sách, cơ chế và sự hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Người trồng rừng ở Quảng Ninh đang cố gắng "vớt vát" những cánh rừng đổ ngã, nhưng gượng dậy sau thiên tai chưa bao giờ là câu chuyện ngày một ngày hai./.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC