Trâu - Tài sản quý của người H’rê
Thứ ba, 10:36, 11/07/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Trâu là phương tiện sản xuất. Trâu còn là một loại hàng hóa để người H’rê trao đổi với cộng đồng dân tộc anh em khác trong vùng.

 

Phục vụ đắc lực cho cuộc sống lao động

Người H’rê sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nước ta như Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai.

Ở Quảng Ngãi, người H’rê tụ cư của vùng núi thấp, đông nhất là ở 3 huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, một số ít sinh sống ở huyện Sơn Tây, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Thành.

Sinh kế chính của bà con H’rê nơi này là làm ruộng nước, một bộ phận sống nhờ rẫy nên bà con có truyền thống nuôi trâu lâu đời. Con trâu vì thế có vai trò quan trọng không chỉ trong đời sống thường ngày mà còn cả trong tâm linh tín ngưỡng.

Người H’rê là cư dân rất giỏi trong canh tác nông nghiệp trồng lúa nước. Từ xa xưa, bà con đã sớm biết cải tạo những vùng đất bằng phẳng, sình lầy làm nơi trồng lúa.

Đặc biệt ở những chân đồi hay thung lũng hẹp, những nông dân cần mẫn người H’rê đã khai phá, tạo nên những thửa ruộng bậc thang để mở mang đồng ruộng, phục vụ đời sống của mình. Làm bạn với người H’rê trên những cánh đồng rộng lớn ấy, là con trâu.

Trâu phục vụ đắc lực cho cuộc sống lao động của người H’rê. Khi máy móc chưa phát triển, để giảm tải sức lao động, họ đã biết dùng trâu sục bùn trên thửa ruộng. Không có cày, bừa, chỉ bằng sức trâu và chân của chúng, họ khéo léo điều khiển chúng quần ruộng để gieo lúa. Phương pháp trâu quần từ đó mà ra đời.

Bình thường để quần một thửa ruộng, phải dùng từ 10 – 12 con trâu. Chỉ huy một đàn trâu như thế sẽ có 2 người cho chúng quần đi quần lại trên ruộng nhiều lần làm đất nhuyễn. Vụ mùa của người nông dân vì thế cũng thêm năng suất mà bớt nhọc nhằn.

Đến mùa thu hoạch, trâu lại lầm lũi làm bạn đường xa, chở thóc, chở gạo, chở hoa màu về nhà. Cho nên, anh Phạm Văn Sây, người H’rê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ bảo, ai có trâu trong nhà, gia đình ấy có tài sản quý.

Trâu là phương triện sản xuất. Trâu còn là phương tiện để người H’rê trao đổi hàng hóa với cộng đồng dân tộc anh em khác trong vùng. Những nhà giàu có, muốn có bộ chiêng sử dụng, họ phải đổi bằng trâu. Thậm chí 2 – 3 con trâu mới đổi được một bộ chiêng 3 chiếc.

Trâu thân thuộc với người H’rê, không chỉ là bạn mà nó còn là biểu tượng của sức mạnh trong quan niệm tâm linh của người H’rê. Điều đó thể hiện rõ nét qua kiến trúc ngôi nhà của đồng bào với hai biểu tượng sừng trâu gắn trên 2 đầu hồi nhà.

Những chiếc sừng trâu ấy được làm bằng tranh, quấn lại theo hình chữ thập hoặc hình cánh hoa. Người H’rê coi đó tượng trưng cho vị thần sức mạnh, bảo vệ cuộc sống của gia đình, chống lại sự đe dọa của ma ác, ma xấu.

Con vật hiến tế quan trọng

Trong tín ngưỡng, tâm linh, người H’rê cũng như nhiều cộng đồng dân tộc anh em có tục hiến sinh con vật trong các lễ thức truyền thống của mình.

Ngoài gà, heo, dê, con trâu chính là con vật hiến tế quan trọng, thể hiện quy mô, sự long trọng của nghi lễ cũng như điều kiện kinh tế của gia chủ. Như lễ cúng sức khỏe, lễ ăn trâu, đó chính là những nghi lễ lớn của cộng đồng.Cúng trâu là gia đình có điều kiện, có nuôi trâu. 10 năm, 20 năm hoặc 15 năm họ sẽ cúng 1 lần.

Người H’rê tin: mọi hoạt động của con người đều do các thế lực siêu nhiên chi phối, cuộc sống có ổn định, phát triển đều do các giàng che chở, bảo vệ cho nên, họ có nhiều lễ thức cúng giàng trong năm. Điển hình là nghi lễ cúng trâu vào khoảng giữa năm theo lịch của người H’rê.

Gia đình có người ốm đau, người H’rê ngoài việc chữa trị bằng thuốc họ cũng gửi gắm niềm tin của mình đến các vị thần linh. Khi ấy họ sẽ tiến hành cúng trâu để cầu mong sức khỏe. Nghi lễ này diễn ra phụ thuộc vào nguyện vọng của gia chủ cũng như điều kiện kinh tế của gia đình.

Theo anh Phạm Văn Lam người thôn Làng Teng, khi cúng trâu họ phải cúng nơi cửa thiêng của ngôi nhà. “Vì đó là nơi thần linh ra vào. Cúng trâu này bà con gần xa mình mời hết. Gia đình làm lễ cúng trâu phải kiêng 7 ngày, chỉ ăn đồ nhà mình đun nấu thôi. Phong tục từ xưa rồi”.

Cúng hồn trâu

Người H’rê có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, bà con quan niệm: trâu cũng như con người, đều có “hồn vía” và có các vị thần linh che chở. Cho nên, bà con cũng có nhiều lễ thức dành cho trâu.

Ví như trâu cũng có lễ đặt tên. Khi nghé con sinh ra được 5  đến 7 ngày tuổi, gia chủ sẽ làm lễ đặt tên cho nghé. Mục đích báo cáo cho các vị thần linh đàn trâu của gia đình có thêm thành viên mới, với hy vọng nghé sẽ được thần linh bảo trợ trong quá trình sinh trưởng. Nghi lễ đơn giản, có rượu trắng, trầu cau và con gà làm lễ.

Khi trâu được 2 năm tuổi, bà con bắt đầu cho chúng tập cày bừa để chuẩn bị cho những mùa sản xuất mới. Sau những ngày tập luyện, họ sẽ làm nghi lễ giữ “hồn vía” cho trâu.

Sau một mùa vụ, công việc đồng áng xong xuôi, bà con H’rê sẽ có một nghi lễ dành riêng cho trâu coi như là lời cảm ơn trâu đã đồng hành với mình suốt quá trình làm mùa vụ. Cảm ơn những vất vả cũng như sự chăm chỉ của trâu, nhờ có trâu, người H’rê có thêm những mùa no ấm. Tết đến, trâu cũng được nghỉ ngơi, dưỡng sức.

Và đến sáng ngày thứ hai trong 3 ngày tết năm mới, đồng bào H’rê dành riêng cho trâu một nghi lễ cầu sức khỏe, cầu may mắn để cả năm trâu bình an, tiếp tục phục vụ cho cuộc sống gia đình. Lễ cúng diễn ra ngay tại chuồng. Lễ vật là 2 – 3 con gà, cầu mong cho con trâu  khỏe, như cầu mong sức khỏe cho con người vậy.

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC