Vui Tết mùa mưa cùng bà con Hà Nhì
Thứ ba, 11:17, 27/06/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Cứ độ tháng 5 âm lịch, Ka Lăng, Mường Tè, Lai Châu bước vào mùa mưa. Dịp này, lúa đã lên đòng, ngô gieo đã mướt xanh bà con người Hà Nhì nơi đây sẽ ăn Tết Dế Khù Chà – một cái Tết quan trọng trong năm của đồng bào.

 

Làm bánh dày ăn Tết

Dế Khù Chà – hay còn được gọi là Tết mùa mưa. Người Hà Nhì sống chủ yếu dựa vào cây lúa. Mùa mưa cũng là mùa lúa đang thì con gái, ở độ sung mãn nhất.

Một năm gieo trồng vất vả họ nghỉ ngơi ăn Tết và tổ chức những nghi thức cúng cầu xin thần linh, tổ tiên ban cho mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn, con người khỏe mạnh và làng bản bình an.

Chu Nhù Pư vừa lau khô từng tấm lá chuối, vừa kể chuyện ăn Tết mùa mưa bản mình. “Ngày mai ăn Tết rồi hôm qua bọn em phải đi lấy lá chuối gói bánh dày, chuẩn bị gạo, củi, xoong nồi các thứ bọn em phải chuẩn bị hết. Ngày mai chỉ việc làm thôi. Đến giờ dậy bọn em phải nấu cơm xôi trước, cơm xôi chín rồi thì đi giã”.

Vào những ngày này, cô cũng như bao phụ nữ Hà Nhì ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng này tất bật chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất nhất. Từ chiều hôm trước, họ đã phải đi lấy lá chuối, ngâm gạo nếp, chuẩn bị sẵn các đồ dùng, vật dụng cho ngày hôm sau làm lễ.

Rạng sáng ngày hợi, phụ nữ dậy đồ xôi. Nếp nhà trình tường thơm phức. Khắp bản trên, xóm dưới, rộn tiếng giã bánh dày. Gạo nếp được chọn làm bánh là thứ nếp dẻo ngon do gia đình sản xuất.

Bánh dày vừa mềm, vừa trắng dâng cúng tổ tiên là thành quả lao động vất vả của cả gia đình trong một năm qua. Đồng thời đây là thứ lễ vật ngon nhất dâng lên mong tổ tiên về chứng giám cho lòng thành của gia chủ, để rồi phù hộ cho mùa mới năng suất cao.

Giã xong xôi nếp, họ sẽ nặn thành 3 chiếc bánh dày tròn trịa, đặt vào mâm cúng. Trước bàn thờ đặt nơi đầu giường chủ hộ, ông chủ nhà bê mâm lễ, cùng các thành viên khấn tạ tổ tiên.

Trưởng bản Mé Gióng, xã Ka Lăng – anh Mạ Lý Phạ cho biết, thường bà con sẽ chọn ngày con lợn hoặc ngày con rồng để tổ chức cúng lễ.

“Ý nghĩa là cầu cho tổ tiên phù hộ cho mùa màng bội thu, cho con cháu phát triển, chăn nuôi đầy đàn, đi đâu cũng gặp may. Đi như chân cứng đá mềm”. – Anh Phạ nói.

Cúng xong, chủ nhà chia cho từng người trong gia đình bánh dày và họ cùng nhau ăn như một sự hưởng lộc từ tổ tiên.

Gọi hồn về ăn Tết

Tết mùa mưa, nghi lễ quan trọng nhất là gọi hồn về ăn Tết. Chủ lễ sẽ buộc một ống tre nhỏ đựng những hạt ngô với những cây cỏ xanh vào một cây tre cắm trước hiên nhà. Cột thêm vào đó đôi gà nhỏ. Tất cả đều thể hiện cho một vụ mùa của người Hà Nhì.

Cùng với đó, mỗi thành viên trong gia đình sẽ để một thứ đồ của mình như áo, quần, vòng tay…vv vào chiếc giỏ. Họ bỏ thêm vào giỏ một nắm gạo, một quả trứng và làm lễ gọi hồn.

Chu Nhù Pư giải thích: “Gọi hồn là trực tiếp gọi tên những người đang sống, là những thành viên trong nhà mình. Gọi từ nhỏ đến lớn. Người Hà Nhì mình quan niệm, con người cũng như vạn vật đều có linh hồn. Trong lúc đi chơi, đi cày bị ngã chứng tỏ hồn rong chơi, chạy nhảy đâu đó. Đến Tết mùa mưa phải gọi hồn về để con người được bình an”.

Người Hà Nhì còn cho rằng, mùa mưa, nước lũ, sấm sét hoành hành khiến hồn vía con người, gia súc, gia cầm, cây trồng hoảng sợ, từ đó khó có thể sinh sôi, phát triển. Cho nên, họ tổ chức nghỉ ngơi, ăn tết mùa mưa, thực hiện các nghi lễ gọi hồn về với cây trồng, vật nuôi và con người.

Cúng báo tổ tiên

Sau lễ cúng ngoài trời, chủ lễ mang tất cả các lễ vật vào nhà, để cạnh bàn thờ sau đó sẽ cho các thành viên trong nhà cùng uống bát nước trắng. Khi từng người uống nước sẽ đồng nghĩa với việc hồn của họ đã trở về, sau đó gia chủ sẽ trả lại trang sức, quần áo, vật dụng cho từng người.

Họ cùng nhau uống ngụm nước trắng trong bát vừa làm lễ gọi hồn như một sự thụ lộc.

Anh Mạ Lý Phạ cho hay: “Gọi hồn xong mình luộc gà, luộc cả trứng gà rồi cúng báo tổ tiên. Lễ vật không thể thiếu trong cúng Tết mùa mưa là gà, gạo, chè, rượu. 3 con gà thì 2 con gọi hồn rồi, còn 1 con cúng Tết chính”.

Lễ cúng báo tổ tiên chính là nghi lễ lần thứ 2, diễn ra trong nhà, mang hàm ý hồn cây trồng, vật nuôi và các thành viên đã về với gia đình, cùng vui với tết mùa mưa. Mâm lễ này mọi người sẽ cúng chín. Gà được luộc lên, rượu rót vào chén bày trên mâm lễ và cả nắm ớt xanh, đỏ cũng làm cho mâm lễ thêm sắc màu.

Cùng với đó là 2 bát cháo, hai bát thịt gà xé nhỏ, một bộ gan gà luộc, 2 đôi đũa. Chủ lễ sẽ khấn báo với tổ tiên cả hai bên nội, ngoại nơi bàn thờ đầu giường chủ nhà.

Tết mùa mưa của người Hà Nhì được tổ chức trong phạm vi từng hộ gia đình nhưng khi thực hiện cúng bái họ vẫn hướng cả về hai bên nội, ngoại.

Với họ, sự kính trọng dành cho tổ tiên hai bên cũng đồng nghĩa với việc nhận được thêm sự phù trợ cho mùa sản xuất, sự bình yên trong gia đình.

Tết mùa mưa được người Hà Nhì tổ chức trong 4 ngày, đồng thời đây cũng là 4 ngày kiêng kỵ bắt đầu từ ngày hợi, tí, sửu đến hết ngày dần.

Trong 4 ngày này, mọi người trong gia đình không được đi làm. Họ chỉ vui chơi và nhau ăn uống, múa hát. Đây cũng là dịp gia đình đoàn tụ, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm sản xuất. Ai ai cũng vui vẻ đón một cái Tết mùa mưa tràn đầy niềm hy vọng vụ mùa sau sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp. 

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC