“Nhà vẫn còn 3 con bò nữa, cố gắng học sau này khỏi phải về làm rẫy” - đó là câu nói mà bố nói với A Cao (24 tuổi, thôn Mô Bành 1, xã Đăk Na) 6 năm về trước, khi em vừa học hết lớp 12.
Được sự động viên của bố, A Cao vui mừng viết tiếp giấc mơ con chữ. Em chọn ngành Công tác xã hội, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum (giờ là Trường Cao đẳng Kon Tum). Bố mẹ A Cao lần lượt bán đi 3 con bò ,trong 3 năm em ngồi trên giảng đường.
Ra trường,cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp với bao hy vọng, nhưng hồ sơ xin việc của A Cao nhiều lần bị từ chối. Hiện tại em đang ở nhà phụ ba mẹ làm rẫy và đang tiếp tục học việc tại chi nhánh một công ty đo đạc đứng chân trên địa bàn xã.
A Cao tâm sự: Việc học giúp em tiếp thu thêm được nhiều kiến thức có thể áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, em vẫn mong muốn tìm được một công việc khác phù hợp với chuyên ngành, giúp nâng cao thu nhập và tương lai ngày càng phát triển. Thú thật, ngày trước nếu tìm hiểu kỹ, em sẽ lựa chọn học các ngành nông, lâm nghiệp để về địa phương xin việc dễ hơn.
35 tuổi, anh A Veng (thôn Hà Lăng) cũng vẫn chưa tìm được việc sau khi tốt nghiệp đại học ngành Luật. Anh A Veng kể, năm 2010, sau khi học xong lớp 12, anh lập gia đình. 2 năm sau, vợ động viên anh hãy tiếp tục đi học đại học để khỏi phí hoài 12 năm đèn sách. Sau này vừa hi vọng tìm được một công việc ổn định, vừa làm gương cho con cái và thế hệ trẻ trong làng. Nghe vợ động viên, anh A Veng thấy hợp lý và theo học ngành Luật ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Suốt 5 năm trời, vợ chồng anh chị chịu nhiều khó khăn, cực khổ khi vừa phải gồng gánh việc chăm con, vừa nỗ lực làm rẫy để có tiền lo cho anh A Veng ăn học. Năm 2017, dù là người hiếm hoi ở thôn cầm trên tay tấm bằng đại học, anh vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp tại địa phương.
"Năm ngoái, tôi từng làm hồ sơ xin việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tu Mơ Rông và UBND xã Đăk Na, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy phản hồi. Tôi mong muốn, trong thời gian tới, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện để tôi tìm được một công việc, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, anh A Veng" chia sẻ.
Theo ông Bùi Văn Viên, Chủ tịch UBND xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum: Hiện tại, trên địa bàn xã có 10 người tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Trong đó có 3 người học đại học, 5 người học cao đẳng, 2 người học trung cấp. Trong năm tới, sẽ có thêm 5 người tốt nghiệp ra trường và khả năng cũng sẽ chật vật tìm kiếm việc làm. Xã cũng muốn tạo điều kiện cho các bạn làm việc tại địa phương nhưng các vị trí việc làm đã được tuyển dụng và lấp đầy, chỉ chờ có người nghỉ hưu mới có thể tuyển dụng.
Ông Viên thừa nhận, việc học xong nhưng không có việc làm phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, cách nhìn nhận của bà con về việc học. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn luôn tuyên truyền bà con hãy cho con em đi học vì người có trình độ vẫn hơn người không có trình độ, cơ hội tìm được việc làm nhiều hơn, có thể áp dụng việc học vào phát triển kinh tế gia đình. Nhưng người dân cần lựa chọn những ngành nghề phù hợp với điều kiện tại địa phương để học xong dễ tìm việc làm. Nếu không tìm được việc ở địa bàn xã, vẫn có thể chủ động tìm các công việc phù hợp với trình độ ở các địa phương khác hoặc tại các công ty hoặc hợp tác xã, doanh nghiệp./.
Viết bình luận