Khác với mọi lần, hôm nay đến thăm hỏi bà con thôn Khe Mọi, Đại uý Lưu Hồng Sâm - cán bộ phụ trách khu vực Công an xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu đã tự tin trò chuyện bằng tiếng Dao, dù mới chỉ là những câu chào hay thăm hỏi thông thường. Thôn Khe Mọi hơn 360 nhân khẩu, 100% là người Dao Thanh Phán, còn cả xã Đồng Văn có hơn 90%. Mặc dù công tác trên địa bàn đã nhiều năm, nhưng chỉ từ khi theo học lớp bồi dưỡng tiếng Dao giữa tháng 6 vừa qua, Đại uý Sâm mới thực sự học và biết tiếng Dao một cách bài bản, chuẩn xác.
"Mình là người dân tộc Sán Dìu, đi học tiếng Dao Thanh Phán về cách phát âm, về ngôn ngữ đều rất khác, do đó quá trình học cũng khó khăn. Trong quá trình tiếp xúc với bà con người Dao thì mình học hỏi thêm, trau dồi kiến thức học được trên lớp nên khi nghe cũng hiểu dần dần..."- Đại uý Lưu Hồng Sâm cho biết.
Lớp bồi dưỡng tiếng Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán do Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ninh khai giảng từ ngày 11/6/2023. Lớp đào tạo cho hơn 100 cán bộ chiến sĩ đang công tác tại các vùng dân tộc thiểu số thuộc nhiều xã của các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái,... Vừa học, vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, song các cán bộ chiến sĩ thuộc nhiều dân tộc khác nhau đều cố gắng học và rèn luyện, đồng thời ứng dụng ngay vào công việc hàng ngày.
Mỗi khi tới thăm hỏi, nắm tình hình ở từng hộ dân, bà con lại là “giáo viên thứ 2” hướng dẫn cho các anh công an phương ngữ của từng địa bàn, bởi cũng là tiếng Dao Thanh Phán, nhưng mỗi vùng lại có đôi chút khác biệt. Lần nào trò chuyện với các anh công an xã, chị Chíu Thị Ngân (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) cũng cười khúc khích vì những tiếng phát âm chưa “tròn vành rõ chữ”, rồi lại vui vẻ chỉ ra những chỗ còn sai lệch.
Huyện Bình Liêu có hơn 43 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, trong đó xã Đồng Văn có 9,5 km với 7 cột mốc biên giới quốc gia. Những năm gần đây, tình hình an ninh quốc phòng trên địa bàn cơ bản ổn định, nhiều thôn bản không còn tình trạng vượt biên trái phép, buôn bán hàng cấm. Bà con tích cực tham gia các tổ tự quản đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới. Phó trưởng thôn Khe Mọi Chíu Phúc Chàu vừa tất bật trang hoàng quán ăn đang chuẩn bị khai trương, vừa khoe rằng "Hiện trong thôn chỉ còn duy nhất 2 hộ nghèo". Người dân yên tâm trồng rừng, nuôi dê, phát triển kinh tế cũng là nhờ tình hình an ninh ổn định. Lực lượng công an, đặc biệt là công an xã, luôn nhiệt tình phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền trợ giúp, hướng dẫn và tuyên truyền chính sách pháp luật cho bà con. Giờ các anh chiến sĩ công an biết được tiếng Dao, học được tiếng Dao thì bà con lại càng hiểu hơn. Bà con cũng rất yên tâm, có gì xảy ra thì cũng thông báo đến thôn và công an xã, gọi điện thoại rất nhanh gọn, có thể xử lý ngay những công việc trên địa bàn."
Học nói tiếng Dao, cán bộ chiến sĩ công an thêm gần bản Dao, thêm hiểu người Dao. Hiện, các lớp bồi dưỡng tiếng Dao của Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục đến tháng 10, giúp các cán bộ chiến sĩ rèn luyện, nắm vững kiến thức để có thể sử dụng thành thạo vào thực tế một cách thường xuyên. Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh cũng có kế hoạch tổ chức thêm các hoạt động ngoại khoá để học viên có thêm các kỹ năng giao tiếp thuần thục hơn.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 13% dân số là người dân tộc thiểu số với 22 thành phần dân tộc, trong đó, những dân tộc thiểu số có quy mô dân số lớn, có ngôn ngữ và bản sắc rõ nét là Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa… Những lớp học bồi dưỡng, những hoạt động giao lưu, học tiếng dân tộc thiểu số sẽ giúp lực lượng công an địa phương hoàn thành mục tiêu “đến hết năm 2025 có 100% cán bộ Công an xã, thị trấn tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng và sử dụng được tiếng dân tộc phù hợp từng địa bàn” theo Nghị quyết 12 của Đảng uỷ Công an Trung ương. Để công an mỗi xã vùng cao, vùng biên, vùng đồng bào DTTS đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, câu chuyện của cán bộ chiến sĩ với người dân sẽ bắt đầu bằng những lời chào thật gần gũi “a cỏ nằng kháa mấy”, “chài xin pjầu xằng”…/.
Viết bình luận