Đa dạng sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững
Thứ tư, 13:44, 02/10/2024 Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN: Những năm qua, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế đã phát huy hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Một trong những mô hình nổi bật là “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”đã giúp nhiều gia đình khó khăn vươn lên.

 

Gia đình bà H’Sắk ở làng Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku có 7 người, sống trong căn nhà cấp 4 đã được xây từ lâu. Chồng bà H’Sắk đã qua đời vì bạo bệnh, bản thân bà phải chăm sóc thêm em chồng bị bại liệt bẩm sinh nên đời sống rất khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào làm thuê. Để giúp gia đình bà H’Sắk vươn lên, "Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”  đã hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản. Bà H'Sắk rất vui vì sau 2 năm chăm sóc, bà đã thấy được kết quả.

“Năm nay bò mẹ đã sinh sản thêm một bê con nên gia đình mừng lắm, quyết tâm không bán để nuôi và tiếp tục gây đàn", bà H’Sắk cho biết.

Theo bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á, ngoài phát triển chăn nuôi từ nguồn con giống mà chính quyền hỗ trợ, công tác giảm nghèo ở địa phương còn phát huy hiệu quả qua việc cho vay vốn ưu đãi, chuyển đổi nghề nghiệp. 3 năm qua, xã đã cấp 42 con bò cho hộ nghèo, hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề nghiệp cho 10 hộ và cho 8 hộ vay vốn ưu đãi….

“Hàng năm xã luôn ưu tiên các chương trình, dự án, mô hình sinh kế do thành phố Pleiku và xã hỗ trợ đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề có hiệu quả, từ đó góp phần cải thiện đời sống, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đến với hộ nghèo và hộ cận nghèo", bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, mỗi hộ nghèo ở thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai lại có hoàn cảnh và nhu cầu được giúp đỡ khác nhau. Như bà Trần Thị Phượng, 50 tuổi, ở thôn 4, xã Trà Đa, thành phố Pleiku, sau khi khánh kiệt vì những khoản chi chạy chữa cho người thân bị bệnh ung thư, càng cần nhiều sự giúp đỡ. Và thực tế, từ chính quyền xã, hội phụ nữ, các nhà hảo tâm… đã cùng chung tay, cứu giúp bà qua lúc khó khăn.

“Lúc khó khăn nhất chính quyền địa phương đã giúp đỡ gia đình tôi có 1 căn nhà ở, các ban ngành hỗ trợ cho các con tôi có những bữa ăn hằng ngày lúc khó khăn đó. Bây giờ các con cố gắng học tập để thoát cảnh nghèo. Đợt mà chồng tôi ốm nặng thì xã Trà Đa và Hội phụ nữ giúp tôi 5 triệu tiền công tôi thuê người hái cà phê vì lúc đó tôi ở viện nên phải thuê người hái, một nắm khi đói bằng một gói khi no, tôi rất cảm động", bà Phượng cho biết.

Thực hiện Chương trình số 31-CTr/TU ngày 3/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Pleiku khoá XII “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn", từ năm 2021 đến nay, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường vận động các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm, quỹ "Vì người nghèo thành phố" và của xã hỗ trợ 95 hộ xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng; hỗ trợ cây-con giống, phân bón, vốn sản xuất 1,2 tỷ đồng; giúp 252 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi trên 13,8 tỷ đồng... Ông Trần Tấn Quang, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Pleiku, cho biết, tỷ lệ hộ nghèo ở thành phố chiếm 0,24%, với 149 hộ nghèo. Thành phố đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai thêm nhiều mô hình sinh kế phù hợp để nâng cao hiệu quả của công tác này.

Công tác giảm nghèo được thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai thực hiện thường xuyên liên tục trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn phát triển mới công tác này càng được định hướng rõ ràng qua việc ưu tiên giải quyết các vấn đề dân cư, nhà ở và chất lượng sống. Qua đó, tăng tiềm năng, động lực phát triển của thành phố, đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội thành phố bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái./.

Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC