ĐA DẠNG SINH KẾ- HƯỚNG THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG CHO ĐỒNG BÀO DTTS
Thứ bảy, 06:52, 29/06/2024 Thu Hoà Thu Hoà
VOV4.VOV.VN: Phần lớn hộ nghèo, cận nghèo ở vùng DTTS do thiếu nguồn vốn, sinh kế bền vững và nhận thức hạn chế, tâm lý tự ti, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, muốn hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, một mặt phải tuyên truyền, tập huấn làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và quyết tâm vươn lên thoát nghèo cho bà con, mặt khác, phải xây dựng mô hình cụ thể để đồng bào làm theo. Đa dạng sinh kế, là cách mà nhiều địa phương vùng miền núi đang thực hiện hiệu quả, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
  • Đa dạng hoá sinh kế cho người dân

Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế cho người dân vùng khó khăn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ- tỉnh Thái Nguyên tập trung chỉ đạo thông qua các nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

           Xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn có 75% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Mới đây, 22 hộ dân trong xóm đã đối ứng để nhận 2.500 con gà thuộc giống gà Mông, theo một chương trình do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ triển khai. Mô hình này nhằm từng bước khôi phục và nhân rộng giống gà Mông quý hiếm, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với phương thức sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.

           Tại xã Văn Lăng, dự án phát triển đa dạng sinh kế cho cộng đồng dân tộc Mông tại xóm Bản Tèn được triển khai vào cuối tháng 5 năm 2023. Dự án sẽ nâng cao năng lực cho người dân về kỹ thuật sản xuất, chế biến, dịch vụ tiếp cận thị trường trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Trường Đại học Nông Lâm, đại học Thái Nguyên là đơn vị quản lý đặt mục tiêu cụ thể, xây dựng hồ sơ một số sản phẩm từ đa dạng sinh kế mang thương hiệu bản Tèn như rau, ngô, thịt lợn, mật ong... Theo ông Ngô Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng: "Đây là chương trình là hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Sau khi lấy ý kiến của nhân dân thì đa số là nhân dân đồng tình hưởng ứng, chung tay cùng với các cấp ngành, các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện chương trình đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo ở địa phương".

            Trong công tác giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Đồng Hỷ xác định việc tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn là một trong những giải pháp căn cơ. Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Đồng Hỷ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục để thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của người dân. Từ đó phát huy tinh thần chủ động, nỗ lực vươn lên. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư huyện uỷ Đồng Hỷ cho biết: "Huyện tích cực chỉ đạo để huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực để đầu tư cho công tác giảm nghèo, triển khai một cách bài bản, chặt chẽ, đúng, đủ các chế độ, chính sách đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn. Cùng với đó thì lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho công tác giảm nghèo trên địa bàn cũng được huyện triển khai một cách hết sức tích cực".

            Giai đoạn 2020- 2023, trung bình mỗi năm, huyện Đồng Hỷ giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 2,35 %; dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu nghị quyết là 65%. Đây là tín hiệu tích cực để mục tiêu cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ dân gặp khó khăn, góp phần phát triển kinh tế xã hội huyện Đồng Hỷ trong thời gian tới.

  •            Tìm mô hình sản xuất phù hợp

Đa dạng sinh kế được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của từng địa phương, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

           Gia đình chị H’Khưa H’Đớt là một trong những hộ nghèo ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn được hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế. Ban đầu gia đình chị được hỗ trợ 2 con dê trị giá 13 triệu đồng. Sau 3 năm chăm sóc, đàn dê tăng lên 10 con. Nhận thấy nuôi bò có hiệu quả kinh tế, năm 2020, chị H’ Khưa đã mua 2 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò đã tăng lên 6 con. Cuối năm 2023, gia đình chị đã thoát nghèo: "Sau một thời gian nuôi dê cảm thấy không được cho lắm thì nhà tôi chuyển sang bò để nuôi bò, một thời gian sau thì nhà tôi có 56 con bò. Vậy là nhờ được sự hỗ trợ của Nhà nước thì hiện tại tôi thoát được nghèo, nuôi con ăn học"- chị H’Khưa chia sẻ.

            Năm 2021, gia đình ông Y Chít Niê ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn được hỗ trợ 2 con bò sinh sản, đến thời điểm này đã phát triển lên 4 con. Nhờ chăn nuôi phát triển cộng với trồng trọt, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo. Ông Y Chít nói: "Nhà nước hỗ trợ cho mình được vài con bò giống như này thì cám ơn nhà nước, chương trình hỗ trợ của xã, của huyện, của tỉnh, cho con bò là mình mừng, hộ nghèo đã thoát nghèo".

           Trong năm 2023, trên cơ sở kinh phí được giao 1 tỷ 340 triệu đồng, các ngành chức năng huyện Buôn Đôn đã tập trung hỗ trợ, xây dựng mô hình phù hợp với địa phương cũng như điều kiện của các gia đình. Quá trình thực hiện luôn có sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của cán bộ khuyến nông và cán bộ thú y trong phổ biến kiến thức, kỹ thuật để chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Buôn Đôn giảm gần 4,2%. Ông Y Si Thắt K’Sơr, phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: "chương trình 1719 là chúng tôi cũng hưởng thụ rất lớn, như dạy nghề, hỗ trợ cho trâu, bò, heo gà, chúng tôi đánh giá rất cao so với kế hoạch chúng tôi đặt ra là chúng tôi đạt và vượt trên 3,5 % trong năm. Đây là vấn đề hết sức lớn, đồng bào cũng rất vui vẻ và nó tương xứng với kế hoạch mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ đề ra".

            Xác định công tác giải quyết việc làm, tạo sinh kế có vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, các địa phương trong tỉnh đã rà soát, thống kê nhu cầu học nghề và việc làm. Từ đó tổ chức các phiên giới thiệu, tư vấn việc làm, đào tạo nghề ngay tại địa phương, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động, hạn chế phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 30.000 người. Theo ông Đàm Văn Phan, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hu, huyện Cư Kuin: "Được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân trong quá trình giảm nghèo thì xã cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và tỷ lệ nghèo đa chiều của xã đã giảm so với năm 2022, trong năm 2024 UBND xã tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, hội đồng nhân dân xây dựng nghị quyết, đưa các chỉ tiêu kế hoạch công tác giảm nghèo bền vững của xã, duy trì trong năm 2024 và các năm tiếp theo".

            Từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk phát triển kinh tế. Theo thống kê, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn hơn 9%, mục tiêu năm 2024, Đắc Lắc phấn đấu giảm từ 1,5 đến 2% hộ nghèo. Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương tiến hành rà soát nguyên nhân nghèo, tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo đồng bộ, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo bền vững.

          

    

Thu Hoà

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC