Đề án thay đổi hủ tục của người Mông
Thứ tư, 00:00, 02/11/2016

(VOV) - Đề án "Vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang" đã thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Xưa nay, trong đám tang, đám cưới của người Mông tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, ăn sâu qua bao thế hệ.

 

Trong đám ma người Mông ở vùng cao Văn Chấn, có một số hủ tục không phù hợp với nếp sống văn minh như: không đưa người chết vào quan tài, tổ chức đám tang kéo dài 3-4 ngày… Những hủ tục ấy đã được loại bỏ rất nhanh từ khi các xã tập trung thực hiện Đề án "Vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang".

 

Bà Mùa Thị BLa, 80 tuổi, người có uy tín ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, cho biết: “Trước, ma chay phức tạp lắm. Giờ thay đổi nhiều, cũng thấy mừng vì đỡ phải lo toan như trước”.

 

Hình ảnh trong đám ma của người Mông. Ảnh: baomoi.com

 

Đám cưới người Mông trước đây rất nhiều thủ tục. Mỗi đám cưới thường kéo dài 2-3 ngày, mổ rất nhiều gia súc, gia cầm. Sau khi thực hiện Đề án, những thủ tục cưới xin không phù hợp này được hạn chế, lễ cưới diễn ra trong 1 buổi. 

 

Ông Giàng A Đằng, Bí thư xã Suối Giàng, cho biết để thay đổi cách nghĩ của đồng bào Mông, xã đã triển khai một cách quyết liệt dựa trên sự đồng thuận cao của người dân: “Chúng tôi đã họp với trưởng các dòng họ, những người có uy tín. Sau khi họp, thống nhất các nội dung rồi chúng tôi mới phân công cho cán bộ xã xuống các thôn bản vận động, kết hợp với những người có uy tín trong cộng đồng”

 

Tại xã Suối Bu, một xã vùng cao khác của huyện Văn Chấn, việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh được chính quyền quyết tâm thực hiện. Ông Vàng Sáy Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã chính là người gương mẫu đi đầu ở chính gia đình mình để người dân làm theo.

 

Ông Trịnh Khắc Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Chấn, cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án, 3 năm qua, lãnh đạo huyện đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo phối hợp với Bí thư Đảng ủy các xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến tận các thôn bản và từng gia đình; Kết hợp giữa việc tuyên tuyền miệng với việc tuyên tuyền bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng Mông) trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở. 100% đồng bào dân tộc Mông ký cam kết thực hiện các nội dung của đề án. 

 

Sáng tạo và linh hoạt khi triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, mỗi chương trình khi thực hiện đã bám sát thực tế của địa phương, nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của đồng bào các dân tộc ở Yên Bái.

 

 

Đinh Tuấn/VOV- Tây Bắc 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC