Tự hào là người bạn đồng hành của đồng bào Thái Tây Bắc
Thứ sáu, 09:25, 06/09/2024 Lường Hạnh / VOV Tây Bắc Lường Hạnh / VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN: Ngày 7/9/2002 là ngày lên sóng số đầu tiên chương trình phát thanh tiếng Thái của Đài TNVN do Cơ quan thường trú khu vực Tây Bắc sản xuất, phát sóng. Từ đó đến nay, chương trình đã trở thành người bạn tâm giao, là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con đồng bào Thái vùng Tây Bắc.

Mỗi ngày, nhạc hiệu chương trình tiếng Thái của Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở nên thân thuộc với ông Lò Văn Chai ở bản Ma Me, xã Chiềng Ve, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ông Chai ví Đài “như cơm ăn, nước uống” vậy! Công việc nhà nông bận rộn, nhưng chính tiếng Đài là đồng hồ báo thức để ông lên nương, ra đồng đúng giờ và kết thúc công việc đồng áng trong ngày. Ông nhớ chi tiết thời gian phát sóng chương trình, từng chuyên mục đến các bài hát dân ca, giọng hát các nghệ nhân. Theo ông Chai, các chương trình của Đài đều rất hay và bổ ích, giúp ông có thêm nhiều kiến thức, biết vận dụng nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Ông Chai cho biết: "Từ 5 giờ 30 phút sáng, 11 trưa hằng ngày tôi nghe chương trình tiếng Thái của Đài. Tôi nghe thời sự trong nước để nắm các vẫn đề đang diễn ra. Tôi rất chú ý cách làm kinh tế ở nhiều vùng miền qua chuyên mục nhà nông cần biết, gương sáng bản làng để học hỏi, áp dụng. Tôi cũng nghe bài hát dân ca răn dạy chúng ta làm việc tốt, tránh xa việc làm không có lợi như bói toán ma chay, vận động con cháu học và làm theo Đài".

Do tần sóng ngày một được được phủ rộng, nâng cấp, phần lớn bà con đồng bào Thái ở khu vực Tây Bắc và một số vùng trong cả nước đã được nghe chương trình tiếng Thái của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông Lò Văn Dọn ở bản Sai, xã Quai Càng,  huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên cho biết: nghe Đài, ông càng hiểu hơn các chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, từ đó ông vận dụng vào cuộc sống, vận động gia đình con cháu không vi phạm pháp luật:

Nghe Đài từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều bà con dân tộc Thái, đặc biệt là những người lớn tuổi. Vì thế, bên cạnh những lời khen ngợi, bà con cũng giành nhiều đóng góp hữu ích với chương trình. Như ở bản Cá, phường Chiềng An, thanh phố Sơn La, câu lạc bộ bạn nghe Đài ở đây được thành lập từ năm 2012, đến nay có hơn 33 thành viên thường xuyên tham gia. Cứ 3 tháng, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt một lần. Bà con cùng nhau trao đổi và góp ý với các chương trình phát thanh của Đài, đặc biệt là chương trình phát thanh tiếng Thái của Đài TNVN.

Ông Cầm Văn Tuân, phó Chủ nhiệm “ Câu lạc bộ bàn nghe Đài” bản Cá cho biết: “ Hằng ngày câu lạc bộ chúng tôi mở loa công cộng phát chương trình tiếng Thái, đến nay chúng tôi vẫn duy trì hoạt động, 3 tháng sinh hoạt 1 lần, thảo luận đóng góp ý kiến cho chương trình của Đài. Theo ý kiến của những người cao tuổi, trong hương trình văn nghệ nên tăng cường chuyên mục kể chuyện cổ tích, câu chuyện truyền thanh để tăng tính giáo dục, răn dạy con cháu làm người”.

Đáp ứng nhu cầu của bạn nghe Đài, chương trình được thực hiện theo hướng thời sự - ca nhạc- tổng hợp. Ngoài kết cấu cứng là tin tức, bài, phóng sự, chuyên mục, dự báo thời tiết, cung cấp những thông tin thời sự trong nước và thế giới, những vấn đề đời sống - xã hội, chương trình còn thực hiện theo hướng chuyên đề, tọa đàm để bàn sâu hơn nội dung những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào. Các chuyên mục từ thứ 2 đến thứ 7 được xây dựng theo hướng ưu tiên truyền tải những kiến thức phục vụ cuộc sống của đồng bào gồm: Đồng bào các dân tộc với Quốc hội;  Đảng trong cuộc sống hôm nay; nhà nông cần biết; tiếng nói từ bản làng; sức khỏe với đời sống; gương sáng bản làng; tìm hiểu chính sách pháp luật; văn nghệ cuối tuần. Riêng chương trình ca nhạc theo yêu cầu chủ nhật được thực hiện theo 2 hình thức thu trước và trực tiếp, xây dựng theo hướng mở, tăng tương tác giữa biên tập viên và thính giả. Bắt đầu từ đầu năm 2014, các chương trình được đưa lên trang web của Hệ phát thanh tiếng dân tộc VOV4. Đây là một cách làm thiết thực, áp dụng tối đa công nghệ thông tin để đưa thính giả là đồng bào các dân tộc đến gần hơn nữa với chương trình, đồng bào có thể nghe chương trình ở mọi lúc, mọi nơi. Ông Tòng Đức Anh, Phó Trưởng Phòng tiếng Dân tộc phụ trách chương trình tiếng Thái cho biết: Các phóng viên, biên tập viên cũng luân phiên đi cơ sở, đến bản làng đồng bào Thái trong khu vực Tây Bắc thực hiện tin, bài, chuyên mục về vùng của mình, đưa nhiều tiếng nói, ý kiến của đồng bào với đảng, Nhà nước. 

“Chúng tôi luôn quan tâm đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực cải tiến chương trình bằng việc luân phiên nhau đến cơ sở để phản ánh nhiều vấn đề của cơ sở, đưa nhiều tiếng nói của đồng bào trong chương trình. Tin tức cũng ưu tiên những vấn đề đồng bào cần. Các chuyên mục được xây dựng theo hướng hỏi đáp để có thể tương tác, giải đáp thắc mắc. Ngoài ra, chương trình cố gắng phát huy thế mạnh văn hóa của đồng bào qua việc đáp ứng các bài hát về các chủ đề, giới thiệu nhiều tấm gương, cách làm hiệu quả trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” - Ông Tòng Đức Anh cho biết.

Bình quân mỗi năm, đã có trên 312 chương trình thời sự - tổng hợp, văn nghệ thứ 7, hơn 70 chương trình ca nhạc chủ nhật và 365 chương trình ca nhạc dân tộc thiểu số tiếng Thái đã được sản xuất, phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều năm qua, đặc biệt trong hơn chục năm trở lại đây, chương trình đã tích cực tham gia các kỳ Liên hoan Phát thanh Toàn quốc, giải báo chí Trung ương, địa phương và đã đạt nhiều giải khác nhau.

Chương trình tiếng Thái tự hào là một trong 13 chương trình tiếng dân tộc của Đài Tiếng nói Việt Nam, là người bạn tâm tình, đồng hành của đồng bào Thái vùng cao Tây Bắc./.

Lường Hạnh / VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC