Để nạn mua bán người không còn là nỗi ám ảnh tại các bản làng vùng cao
Thứ ba, 11:09, 01/08/2023 Công Luận/VOV Đông Bắc Công Luận/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Cao Bằng là tỉnh miền núi có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở. Tình hình xuất nhập cảnh trái phép diễn ra ở vùng này khá phức tạp. Bên cạnh đó, tại một số khu vực, cuộc sống của người dân còn khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế... đây là những điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm mua bán người hoạt động. Do đó, việc đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm tinh vi, nguy hiểm này đang lực các lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh ngay tại các khu vực biên giới cũng như từ mỗi bản, làng.

 

Tháng 2/2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã phá thành công chuyên án về hành vi mua bán người, nạn nhân là cháu bé chưa tròn tháng tuổi. Lực lượng chức năng đã bắt giữ Lê Thị Mỹ Lệ và Phạm Thành Sinh (cùng trú tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk). Các đối tượng này bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi đưa cháu bé qua biên giới (thuộc địa phận xóm Tềnh Quốc, xã Cần Nông, huyện Hà Quảng). Mở rộng điều tra, Ban Chuyên án bắt giữ thêm 2 đối tượng có liên quan là Lý Thị Anh Thư (trú tại tỉnh Trà Vinh) và Lê Thị Thanh (trú tại tỉnh Lâm Đồng). Các đối tượng này đã đưa cháu bé từ thành phố Hồ Chí Minh ra Cao Bằng, nhằm mục đích đưa qua biên giới cho hai người Trung Quốc.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận dù biết rõ là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi nên bất chấp thủ đoạn cũng như lương tâm.

Mới đây nhất, tháng 7/2023, Công an tỉnh Cao Bằng đã giải cứu 2 thiếu nữ là nạn nhân của tội phạm mua bán người từ Myanmar về Việt Nam. Trước đó, Hoàng Văn Sơn và Nhàn Văn Dũng (cùng trú tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) làm việc tại quán karaoke của vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt Hòa - Đồng Văn Mạnh tại thôn Dâu, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Hai đối tượng này được vợ chồng Hòa, Mạnh giao nhiệm vụ tuyển dụng nhân viên nữ để làm việc trong quán karaoke và đưa ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Nếu hoàn thành sẽ được vợ chồng Hoà, Mạnh trả công. Còn về phần Hoà, nếu giới thiệu người sang Myanmar làm việc trót lọt, thì sẽ được hưởng 5% thu nhập của người đó mỗi tháng...

Khoảng đầu tháng 02/2023 qua quen biết và tìm trên mạng xã hội, các đối tượng đã chọn được 03 thiếu nữ tại các huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) và Vị Xuyên (Hà Giang), trong đó có người chưa đủ 16 tuổi về quán karaoke của Hoà, Mạnh để làm nhân viên tiếp khách. Tại đây, các đối tượng đã dùng thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ để nhóm thiếu nữ này đồng ý sang Myanmar làm việc. Tuy nhiên, sau khi sang đến Myanmar thì các cô gái này đã bị ép làm gái mại dâm. Đầu tháng 6/2023, một trong số các nạn nhân đã tìm cách liên lạc với gia đình ở Việt Nam và báo tin cho cơ quan Công an. Sau đó, Công an Cao Bằng đã giải cứu thành công 2 trong số 3 thiếu nữ đưa về với gia đình. 

“Chị Hòa có nói với em là sang nước ngoài làm, vì ở đây đang kiểm tra phòng cháy nên không mở quán, sẽ không có tiền, nhưng không nói là đi đâu, chỉ bảo sang đó cũng làm nhân viên quán karaoke như ở Việt Nam thôi. Chị Hòa nói bên kia có nhiều khách Trung Quốc, nếu làm tốt thì sẽ thu nhập 100 triệu, ít cũng vài chục triệu mỗi tháng”. - Một nạn nhân của nhóm tội phạm buôn bán người xuyên biên giới, cho biết.

Đánh vào tâm lý cả tin với những lời dụ dỗ về việc nhẹ, lương cao hay đơn giản là một công việc ổn định, nhất là với đối tượng thiếu nữ vùng cao, sau đó tìm cách lừa bán vào các "động" mại dâm, thậm chí bán qua biên giới đã không còn là câu chuyện mới nhưng lại ngày càng tinh vi hơn. Phạm vi cũng mở rộng hơn không còn chỉ ở các tỉnh trong nước hay qua biên giới Trung Quốc mà nhiều nạn nhân đã bị lừa bán sang các nước khác như Campuchia, Myanmar và các nước Đông Nam Á khác. 

 “Nhiều trường hợp phạm tội có tổ chức. Chúng câu kết chặt chẽ giữa người mua, người bán, người môi giới, dẫn dắt tạo đường dây liên tỉnh. Bên cạnh việc gặp gỡ, làm quen trực tiếp thì xu hướng ngày càng phổ biến đó là dùng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân. Thủ đoạn phổ biến là kết bạn, làm quen với nạn nhân qua mạng xã hội như zalo, facebook do tính bảo mật cao, khó bị phát hiện. Sau đó chúng sẽ nhờ người quen tại địa bàn hoặc trực tiếp qua điện thoại điều nạn nhân ra khu vực biên giới, sau đó bán ra nước ngoài”. - Thiếu tá Phùng Xuân Trường, Phó đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng cảnh báo.

Nhằm ngăn chặn tội phạm buôn bán người, Ban Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ lên kế hoạch cụ thể trong công tác đấu tranh; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu và các đối tượng thanh, thiếu niên.

Với đường biên giới lên đến hơn 330km, chủ yếu địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt, nên Cao Bằng là một trong các điểm nóng về xuất nhập cảnh trái phép thời gian qua. Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, riêng năm ngoái, có tới khoảng 85% công dân xuất cảnh trái phép trên tuyến biên giới Việt –Trung được phát hiện tại tỉnh này. Do đó, sự tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi phạm tội trên biên giới cũng được xem là ưu tiên hàng đầu. 

 “Chúng tôi nhận định tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xuất nhập cảnh chính là nguồn của tội phạm mua bán người. Từ nhận định trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, kịp thời phát hiện các đối tượng nghi vấn ở ngoại biên, khu vực biên giới, ở nội địa thường xuyên ra vào biên giới để lập danh sách theo dõi chặt chẽ…”- Đại tá Đặng Vũ Dương, Phó Chỉ huy trưởng, BĐBP tỉnh Cao Bằng cho biết.

Để ngăn ngừa loại tội phạm nguy hiểm này, ngoài sự vào cuộc đấu tranh quyết liệt của lực lượng Công an và Biên phòng, Cao Bằng cũng xác định cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến từng thôn bản và nhất là vai trò của nhà trường cũng như các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Cùng với đó, việc tạo thêm sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên cũng sẽ là biện pháp hiệu quả để nạn buôn bán người không còn là nỗi ám ảnh với các bản làng vùng cao./.

Công Luận/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

Tin liên quan

Kon Tum: điều tra làm rõ vụ phá rừng quy mô lớn ở huyện biên giới Sa Thầy
Kon Tum: điều tra làm rõ vụ phá rừng quy mô lớn ở huyện biên giới Sa Thầy

VOV4.VN - Khẩn trương điều tra làm rõ bản chất vụ việc để ngăn chặn nạn phá rừng quy mô lớn xảy ra ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cũng như đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới đang là yêu cầu đặt ra với lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum.

Kon Tum: điều tra làm rõ vụ phá rừng quy mô lớn ở huyện biên giới Sa Thầy

Kon Tum: điều tra làm rõ vụ phá rừng quy mô lớn ở huyện biên giới Sa Thầy

VOV4.VN - Khẩn trương điều tra làm rõ bản chất vụ việc để ngăn chặn nạn phá rừng quy mô lớn xảy ra ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cũng như đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới đang là yêu cầu đặt ra với lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum.

Nạn phá rừng trồng quế ở Lào Cai
Nạn phá rừng trồng quế ở Lào Cai

VOV4.VOV.VN - Xâm lấn đất rừng để trồng quế dù vì mục đích kinh tế nhưng lại là hành vi vi phạm pháp luật, và thực tế câu chuyện này không hiếm gặp.

Nạn phá rừng trồng quế ở Lào Cai

Nạn phá rừng trồng quế ở Lào Cai

VOV4.VOV.VN - Xâm lấn đất rừng để trồng quế dù vì mục đích kinh tế nhưng lại là hành vi vi phạm pháp luật, và thực tế câu chuyện này không hiếm gặp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC