Nắng chiều cuối năm đổ về trên căn nhà lợp tôn mới của đồng bào dân tộc T’Rin, Raglay tại xã Giang Ly, huyện miền núi Khánh Vĩnh. Những ngọn khói ấm áp vươn lên, mùi cơm chín lan tỏa từ những căn nhà bếp của bà con. Năm nay, người dân xã Giang Ly đón Tết lớn.
Chị Cà Da, dân tộc T’Rin, thôn Gia Rích, xã Giang Ly kể, những năm trước, căn nhà đã xuống cấp, mái tôn mục nát, nền xi măng sụt lún, tường gạch ẩm mốc… không biết đổ, sập lúc nào. Giữa tháng 12, căn nhà này được nhóm thợ được xã đưa xuống lợp lại mái tôn, nền nhà ốp gạch, tường được tô trát, đảm bảo “3 cứng”. Sau 3 tuần thi công, việc sửa chữa căn nhà hoàn thành trong niềm vui của mọi người. Bây giờ gạo, bánh chưng, bánh tét của UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã về đến bếp.
Chị Cà Da khoe: “Tết này, chúng tôi có nhà mới, có gạo, có quà, 4 người được 60kg gạo, được thêm bánh chưng, bánh tét. Hồi trước, nhà cũ nát, thấy xấu lắm, bây giờ được sữa chữa lại, thấy đẹp”.
Hơn 20 năm trước, tỉnh Khánh Hòa đã cấp đất ở, xây dựng nhà, cấp vườn, hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Đến nay, nhiều căn nhà đã xuống cấp, nhiều gia đình phải sống trong những căn nhà tạm, dột, nát. Từ đầu năm 2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu triển khai chương trình xây mới gần 1.500 căn nhà.
Nhà nước hỗ trợ mỗi căn nhà 80 triệu đồng, các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để xây dựng khang trang hơn, có đủ phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh... Không chỉ xây dựng nhà, năm nay, hàng ngàn hộ gia đình còn được hỗ trợ giống bò, dê sinh sản để phát triển kinh tế.
Trong căn nhà vừa mới xây, chị Pi Năng Thị R’En, dân tộc Raglay ở thôn Suối Cá, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh tất bật dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Sau nhiều năm sống tạm bợ trong căn nhà mái tôn, vách lồ ô, năm nay, gia đình chị đón Tết với những niềm vui lớn, đó là thoát nghèo và ăn Tết trong căn nhà mới.
“Trước đây, mưa to cứ phải ẵm con qua nhà mẹ để trú ẩn, còn bây giờ có nhà ở kiên cố, mưa to, gió lớn cũng được đảm bảo. Năm nay, gia đình tôi được đón Tết lần đầu tiên với căn nhà mới, cảm thấy rất vui sướng, hạnh phúc. Sẽ cố gắng làm ăn, cuộc sống sẽ ổn định, đỡ khổ hơn” - Chị Pi Năng Thị R’En cho biết.
Qua rà soát, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn hơn 1.300 hộ dân đang sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát. Từ cuối tháng 11/2024 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp và người dân đóng góp hơn 70 tỷ đồng để sửa chữa nhà ở giúp người dân hoàn cảnh khó khăn. Chỉ trong vòng 60 ngày kể từ ngày phát động, gần 800 căn nhà đã được các địa phương sửa chữa, hoàn thành trước Tết Ất Tỵ.
Ông Bùi Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn huyện có 185 căn nhà cần sửa chữa. Các xã, thị trấn đã thành lập các đội xung kích hỗ trợ người dân vận chuyển vật liệu, nhân công, đáp ứng tiến độ, chất lượng công trình:
“Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của bà con về việc sửa chữa nhà dột nát. Dựa trên một số hộ gia đình chủ động sửa chữa từ đó tạo ra sức lan tỏa lớn. Bà con thay đổi nhận thức an cư phải bền vững mới lập nghiệp ổn định, dần dần thoát nghèo trong thời gian đến”.
Tết này, tỉnh Khánh Hòa dành hơn 30 tỷ đồng mua gạo thơm, bánh chưng, bánh tét chăm lo Tết cho các gia đình khó khăn. Gần 800 căn nhà cũng đã sửa chữa xong trước Tết. Sau Tết, tỉnh Khánh Hòa sẽ bắt tay ngay vào việc hỗ trợ xây mới nhà ở cho các hộ dân.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Rất đáng mừng, sau 1 tuần triển khai phát động, tỉnh Khánh Hòa đã huy động đủ nguồn lực với số tiền 70 tỷ đồng để tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với lượng trên 1.300 căn. Tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 30/6/2025”.
Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo. Niềm vui nhân lên khi hàng ngàn căn nhà, hàng ngàn người dân được an cư trước Tết mang theo hy vọng thoát nghèo bền vững, nâng cao mức sống của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa./.
Viết bình luận