Đồng bào Khmer Sóc Trăng đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế
Thứ năm, 11:14, 27/04/2023 Thạch Hồng/VOV ĐB Sông Cửu Long Thạch Hồng/VOV ĐB Sông Cửu Long
VOV4.VOV.VN - Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đồng bào Khmer ở các phum sóc luôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo từng bước bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Anh Khâu Đức Lập, thành viên tổ hợp tác nông dân Đại Ân, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên phấn khởi chia sẻ, đàn bò sữa 9 con, trong đó có 4 con đang cho sữa là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Mỗi tháng trên 10 triệu đồng tiền lợi nhuận từ việc vắt sữa bán, giúp kinh tế gia đình ổn định.

Để sữa bán được giá cao, gai đình anh luôn chăm sóc bò kỹ lưỡng, cho ăn đầy đủ, mua vitamin, canxi bổ sung cho bò. Đặc biệt, khi bò vừa đẻ xong thì bổ sung canxi để bò không bị yếu chân.

Trước đây kinh tế  gia đình anh Lập và chị Ngân thuộc diện khó khăn, khi thu nhập từ 2 công màu và 2 công trồng lúa thường xuyên bấp bênh. Từ lúc tham gia Tổ hợp tác nông dân Đại Ân, được các thành viên trong Tổ hợp tác giúp tìm hướng phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi bò sữa, lại được tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật, nên thu nhập của gia đình từ mô hình nuôi bò sữa với sản xuất màu và lúa ngày càng tăng lên và ổn định, đời sống ngày càng vươn lên, chăm lo các con học tập tốt hơn. Hiện tại, con lớn của anh chị đang là sinh viên ngành Y tại đại học Cần Thơ và con thứ hai đang là học sinh lớp 12.

Ở Tổ hợp tác nông nghiệp Đại Ân, ngoài mô hình nuôi bò sữa,  còn có mô hình trồng màu, đặc biệt là mô hình nhân giống lúa đặc sản ST24, ST25 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững với doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí trên diện tích 100ha. Lợi nhuận bình quân mỗi năm đạt từ 40-50 triệu đồng/ha. Nhờ thu nhập từ nuôi bò sữa, trồng màu, hiện nay 32 thành viên tổ hợp tác đều có kinh tế gia đình ổn định, khá giả, nhà cửa khang trang.

Những năm qua, đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng luôn đoàn kết trong phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Thực hiện chủ trương làm cánh đồng mẫu lớn, mô hình kinh tế tập thể theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, bà con Khmer ở Sóc Trăng cùng nhau tổ chức lại sản xuất, thay đổi tập quán canh tác.

Xã Viên Bình, huyện Trần Đề, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng chừng  30km, là xã vùng sâu với người dân tộc Khmer chiếm 73%. Tại đây người dân ai cũng phấn khởi kể từ khi sản xuất lúa ST theo mô hình cánh đồng lớn- một  mô hình sản xuất giúp nhiều nông dân “đổi đời”. Những căn nhà khang trang từng bước thay thế cho những nhà ngôi nhà cũ nát, chứng minh cho đời sống đồng bào Khmer nơi đây nay đã khởi sắc.

Trước đây, tập quán canh tác của bà con Khmer ở địa phương còn lạc hậu. Mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa, năng suất không cao. Từ năm 2004, nông dân Khmer đã biết liên kết sản xuất, rủ nhau làm lúa thơm trên một diện tích lớn. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và vận dụng những kiến thức thu được từ các lớp tập huấn của ngành nông nghiệp, các buổi hội thảo, những cánh đồng lớn sản xuất theo hình thức kinh tế tập thể với dòng lúa thơm ST5, ST20… hiện tại là ST24, ST25, ST tím  đang từng bước phủ khắp các cánh đồng.

Ông Lâm Sung, nông dân ở xã Viên Bình, cho biết, lợi nhuận bình quân so với lúa thường từ 5 -10 triệu đồng/ha. Nếu như lúa thường lợi nhuận 20 triệu thì ST24, ST25 là hơn 25 triệu. Từ khi chuyển sang làm lúa ST, đời sống bà con mình phát triển rõ nét, ai cũng khá giả hơn.

Với mô hình cánh đồng lớn, sản xuất theo kiểu tổ hợp tác, hợp tác xã, hiện nay nông dân xã Viên Bình sử dụng giống lúa cao sản, đặc sản chiếm khoảng 87%. Vụ lúa vừa qua, lúa đặc sản ST có giá từ trên 7000 đồng/kg, vì vậy mà lợi nhuận của bà con sản xuất lúa đạt khoảng trên 30 triệu đồng/1ha.

Ông Lê Trung Tuấn, chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Viên Bình, huyện Trần Đề, cho biết, đến thời điểm này, diện tích cánh đồng lớn của xã Viên Bình hơn 2000 ha. Người dân nhìn thấy hiệu quả kinh tế mang lại nên tích cực tham gia và gia tăng diện tích, đặc biệt là dòng ST 24, ST25, ST tím. Hàng năm chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ đặc biệt chú trọng đến diện tích cánh đồng lớn, quan tâm chỉ đạo, giữ vững diện tích để làm sao tạo kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân.

Phát huy tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng. Những mô hình kinh tế tập thể cho thu nhập cao đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

 

Thạch Hồng/VOV ĐB Sông Cửu Long

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC