Đưa dân ca, hội họa đặc trưng của dân tộc vào trường học
Thứ năm, 07:40, 22/02/2024 Vũ Lợi/VOV Tây Bắc Vũ Lợi/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Đưa các làn điệu dân ca đặc trưng của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc vào trong giảng dạy, áp dụng thực tế với nhiều trường học vùng cao, nơi có đông học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đang là cách làm hay của ngành giáo dục Điện Biên trong đổi mới giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó giúp các em học sinh có cơ hội sáng tạo về văn hóa, truyền thống đặc trưng của đồng bào mình, góp phần gìn giữ bản sắc ngay từ trong trường học.

 

Những làn điệu dân ca đặc trưng của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc như: Thái, Mông, Lào… được các thầy giáo, cô giáo của Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên mất nhiều công sức để chắt chiu lựa chọn giảng dạy tại các tiết học cho học sinh trong trường. Những nhạc cụ sáo, chũm chọe phục vụ cho hoạt động này cũng do chính các giáo viên trong trường tự tìm hiểu và sưu tầm, để học sinh được trải nghiệm đa dạng văn hóa các dân tộc thông qua âm nhạc.

Em Đỗ Thị Kim Thư, học sinh Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam cho biết: "Khi mà em được học những bài hát về quê hương của mình em cảm thấy rất tự hào về bản thân và mọi người. Em cảm thấy yêu gia đình và ông bà, cha mẹ hơn".

Không chỉ có các hoạt động về âm nhạc, bản sắc văn hóa các dân tộc còn được các giáo viên lồng ghép vào các giáo án tiết học Mỹ thuật. Những bức vẽ về nét đẹp lao động của đồng bào khi làm nông, trang phục hay những điệu múa xòe của các cô gái dân tộc đã giúp học sinh hiểu hơn về những đặc trưng của cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Điện Biên.

Em Hà Thị Thanh Thảo, học sinh Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam chia sẻ: "Hôm nay em học chủ đề nét đẹp trong lao động này thì em cảm thấy chủ đề này rất gần gũi đối với bọn em. Bức tranh hôm nay em vẽ là về có một cô gái đang gành lúa trở về nhà. Từ xưa đến nay nghề nghiệp chính của người Việt Nam chính là nông nghiệp nên là ở đây hầu hết các gia đình đều trồng lúa nên em cảm thấy gành lúa trở nên gần gũi với cuộc sống của mình".

Cô giáo Lù Thị Yên cho biết: Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam có tới 84% học sinh là con em dân tộc thiểu số. Để giúp các em có hứng thú hơn trong việc đổi mới giáo dục địa phương, mỗi tuần học sinh sẽ có 1 buổi mặc trang phục dân tộc, tích hợp vào các tiết học để các em có thể tìm hiểu các nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Hiện nhà trường có 5 dân tộc là dân tộc: Thái, Lào, Mông, Kinh và Khơ Mú và các thầy cô giáo sẽ có giáo án giảng dạy cho phù hợp.

Bên cạnh đó, các hoạt động phong trào, hoạt động đội hằng ngày cũng sẽ đưa ra các hình thức như trò chơi dân gian, các điệu múa dân tộc như múa xòe để giúp các em hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa các dân tộc. Đặc biệt để hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà trường cũng đã và đang hoàn thiện màn múa xòe dân vũ cho các em:

"Hiện tại về môn mỹ thuật các em được học tập, trải nghiệm nhiều hơn ở vấn đề đưa được cả ngành nghề vào trong môn mỹ thuật. Đó là định hướng nghề nghiệp có đồ họa, hội họa tranh in, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp. Các em rất hăng say với môn mỹ thuật và đã vẽ về làng nghề của chính mình. Ở Điện Biên dân tộc Thái rất nổi tiếng, nhất là vẻ đẹp trang phục dân tộc và các điệu múa xòe. Do đó nội dung hôm nay học về dân tộc Thái thì các bạn trong lớp cũng mặc trang phục dân tộc Thái và tập trung gắn vẻ đẹp lao động vậy từ bộ trang phục này và tiết học này các em học rất hăng say" - Cô giáo Lù Thị Yên cho biết thêm.

Tỉnh Điện Biên có cộng đồng 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Việc lồng ghép kiến thức trong chương trình sách giáo khoa với những câu chuyện của quê hương, bản làng, đang là cách làm hay giúp học sinh dễ dàng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, vừa bồi đắp niềm tự hào về dân tộc mình./.

Vũ Lợi/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC