Gia Lai: Thúc đẩy giao thương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thứ ba, 19:45, 26/12/2023 CTV Thảo Nguyên CTV Thảo Nguyên
VOV4- Năm 2023, Ngành Công thương tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động giúp thúc đẩy giao thương cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này tạo những tiền đề cơ bản để nông dân ở vùng khó khăn tiếp cận với thị trường, gia tăng giá trị từ nông sản đặc trưng.

 

Theo Sở Công thương Gia Lai, hiện nay tại tỉnh có 102 chợ, 18 siêu thị; 170 cửa hàng tiện lợi. Hệ thống hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hạ tầng thương mại còn nhiều khó khăn, chủ yếu hoạt động theo kiểu chợ truyền thống, quy mô nhỏ, hoạt động giao lưu hàng hoá chưa sôi động. Đơn cử như huyện Phú Thiện có 10 xã, thị trấn nhưng trên địa bàn chỉ có 1 chợ hạng III và 3 chợ tạm, chưa có siêu thị. Bên trong chợ truyền thống, hàng nông sản của người dân bày bán nhiều, song vì chưa biết cách quảng bá, sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, chưa xây dựng nhãn hiệu nên lợi nhuận từ bán sản phẩm chưa cao.

Tuy nhiên, năm 2023, huyện Phú Thiện đã đăng ký hỗ trợ đầu tư xây dựng mới chợ xã Ia Yeng với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng, quy mô chợ hạng III theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, 3 chợ tạm tại các xã Ia Peng, Ia Sol, Ayun Hạ cũng nằm trong kế hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân trong thời gian tới.

Cùng với việc cải thiện hạ tầng giao thương, thì công tác xúc tiến thương mại, nhất là các mặt hàng nông nghiệp đặc trưng của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cũng được Ngành Công thương Gia Lai quan tâm chú trọng. Năm 2023, Sở Công thương Gia Lai đã phối hợp với các địa phương của tỉnh tổ chức 10 sự kiện xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó tập trung vào các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP như các loại rau quả, trái cây, mật ong, thịt heo và 38 sản phẩm đã qua sơ chế như cà phê, hạt mắc ca, hạt điều muối, mít sấy khô, trà…

Tất cả các sản phẩm đều được lựa chọn, đánh giá là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, đảm bảo các tiêu chuẩn để lưu thông trên thị trường. Hoạt động này không chỉ giúp kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với hợp tác xã, doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, qua đây, khuyến khích người dân mạnh dạn khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế để đa dạng nguồn thu nhập, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Cũng trong năm 2023, Sở Công thương Gia Lai đã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật thương mại (Bộ Công thương) và Phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa tổ chức tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho hơn 100 đại diện thuộc Ban Quản lý chợ, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn 4 huyện, thị xã gồm: Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa. Tại đây, học viên được tiếp cận với các vấn đề liên quan tới thương mại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: thực trạng nguồn nhân lực; các văn bản pháp luật; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại. Thông qua đó, học viên được nâng cao kỹ năng, kiến thức và năng lực cần thiết để tham gia vào hoạt động thương mại, đáp ứng yêu cầu của thị trường và tăng khả năng cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại.

Ông Phạm Văn Binh- Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết, hiện nay, ngành đang triển khai theo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, ngành chú trọng các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa; Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản; phối hợp với UBND các huyện, các sở, ngành liên quan, doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua các chương trình kết nối giao thương giữa Gia Lai với các tỉnh, thành trên cả nước; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương đưa sản phẩm đặc sản, đặc trưng tham gia các chuỗi cung ứng thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử lớn nhằm tăng khả năng tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước,..

Nhờ vậy, bước đầu, hạ tầng thương mại tại tỉnh Gia Lai đã bước đầu được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần tiêu thụ nông sản, hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương../.

CTV Thảo Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC