Từ triết lí phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trong lĩnh vực giáo dục, Yên Bái là một trong những tỉnh tiên phong xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Đó là những ngôi trường đạt chuẩn mà theo các em học sinh thì “Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”. Ở đó, trong không gian đầm ấm, học trò vùng cao được các thầy cô tận tình dạy dỗ, yêu thương.
Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên ở miền núi Tây Bắc thực hiện sắp xếp quy mô trường lớp học. Theo đó, đến nay tất cả các trường ở điểm lẻ đều sáp nhập về điểm chính. Từ đây cơ sở vật chất và điều kiện dạy học được đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn.
Ở những ngôi trường hạnh phúc này, bên cạnh đảm bảo khung chương trình năm học theo đúng quy định, tất cả các hoạt động ngoài giờ đều hướng tới mục tiêu cung cấp kiến thức, kĩ năng mềm cho học sinh.
Thầy giáo Hà Việt Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Suối Giàng, huyện Văn Chấn chia sẻ: Quan trọng nhất là việc dạy và học phù hợp với đặc thù vùng miền, học sinh rất phấn khởi, đến trường đến lớp đầy đủ cũng như tích cực các hoạt động. Tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt 100%".
Theo Bộ tiêu chí do UBND tỉnh Yên Bái ban hành, “Trường học hạnh phúc” đảm bảo 20 tiêu chí cụ thể, gồm 8 tiêu chí về môi trường nhà trường; 6 tiêu chí về tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; 6 tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Xây dựng "Trường học hạnh phúc" hướng tới ba tiêu chí: yêu thương - an toàn – tôn trọng. Để làm được điều đó, mỗi thầy cô phải luôn luôn tự soi chiếu thay đổi bản thân, thay đổi nhận thức, từ đó tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục tạo ra được môi trường mà các em luôn thấy được yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Trong công tác đào tạo nghề, Yên Bái cũng đang nắm bắt và thực hiện theo xu thế phát triển liên tục của công nghệ và chuyển đổi số để đào tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu địa phương mà hướng ra xuất khẩu.
Theo thống kê, toàn tỉnh Yên Bái hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục và 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, với tổng quy mô tuyển sinh gần 20.000 học sinh, sinh viên/năm.
Việc lựa chọn ngành nghề đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề được thực hiện trên cơ sở tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường lao động, tập trung chủ yếu là ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, logistics, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
Trường Cao đẳng nghề Yên Bái là cơ sở dạy nghề đi đầu của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Theo quy mô phát triển, hiện nay nhà trường đang đào tạo 10 ngành nghề cao đẳng, 14 ngành nghề trung cấp, 2 ngành nghề cấp độ đào tạo quốc tế, 2 ngành nghề cấp độ quốc gia và khu vực Asian.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, nhà trường đã không ngừng thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, điển hình như liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp giúp học sinh, sinh viên thực tập nâng cao kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp và tính kỷ luật cao, phù hợp với quy định làm việc của các doanh nghiệp; thực hiện ký hợp đồng đào tạo, liên kết đào tạo và đào tạo theo địa chỉ…
Ông Đỗ Duy Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái cho biết, là 1 trong 40 trường nghề trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư thành trường nghề chất lượng cao, với trách nghiệm đào tạo nguồn nhân lực trình độ theo tiêu chuẩn ASEAN và tiêu chuẩn quốc tế, hiện trường Cao đẳng nghề Yên Bái đã bảo đảm có đủ các phòng học chuyên môn hiện đại, đáp ứng với sự phát triển không ngừng của các ngành, nghề đào tạo...
"Về việc xây dựng chương trình đào tạo của nhà trường ngoài việc nhập khẩu chương trình, phối hợp đào tạo với nước ngoài, thì với các chương trình cấp độ ASEAN và cấp độ quốc gia thì nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo để học sinh, sinh viên sau khi ra trường có kiến thức và kĩ năng gần nhất với nhu cầu của các doanh nghiệp." - Ông Đỗ Duy Thái nói.
Giáo dục Yên Bái cũng đề cao tính nhân văn, khi gần đây "phủ sóng" con chữ đến các đối tượng yếu thế, trong đó có chị em phụ nữ vùng cao vốn làm lụng vất vả, tuổi trẻ không được đến trường.
Khi mặt trời xuống núi cũng là lúc ánh điện tại các lớp học xóa mù chữ ở vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) bừng sáng. Chị em dân tộc Mông ai nấy đều hồ hởi bởi mỗi người đều đã hiểu, biết chữ mới có thể thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn.
Chị Hàng Thị Dí, bản Thào Xa Chải, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Nhà mình đến lớp học phải mất 40 phút đấy, nhưng mình không ngại vì mình muốn biết chữ để còn đi chợ mua bán, để đọc được sách báo cùng các con. Mình sẽ quyết tâm đọc được nhanh và làm tính được."
Hơn 40 tuổi, chị Sùng Thị Chù, ở bản Thào Xa Chỉ, xã Nậm Có mới bắt đầu tham gia lớp xóa mù chữ. Chị Chù cho biết, một phần vì điều kiện gia đình khó khăn, phần khác do chị lấy chồng sớm nên đã ngăn bước con đường đến trường của mình. Bây giờ, qua tuyên truyền của chính quyền địa phương, lại được chồng ủng hộ và bản thân cũng muốn biết chữ, nắm được kiến thức phát triển kinh tế nên chị tìm đến lớp học xóa mù chữ.
"Mình lớn tuổi rồi, đi học cũng vất vả lắm, học mãi mới nhớ, nhưng mà đến lớp vui vì có nhiều chị em cũng đi học như mình. Học được chữ thì mình đọc được sách báo, biết được cách mọi người trồng cây, nuôi con lợn, gà để phát triển kinh tế." - Chị Sùng Thị Chú nói.
Xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có trên 1.000 người không biết chữ, trong đó phần lớn là chị em phụ nữ, độ tuổi từ 15 đến 60. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các nhà trường mở các lớp học xóa mù chữ. Một năm qua, xã đã thực hiện được 4 lớp với 120 học viên. Sau xóa mù chữ, nhiều chị em đã mạnh dạn tham gia học chương trình tiểu học:
Ông Sùng A Dinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Các ngành, đoàn thể của xã phối hợp bới phòng giáo dục huyện, các nhà trường rà soát những trường hợp chưa biết chữ thông qua công tác điều tra phổ cập giáo dục hàng năm. Từ đó thống kê, mở các lớp xoá mù chữ trong những năm tiếp theo, để thời gian tới trên địa bàn xã không còn người mù chữ."
Theo UBND tỉnh Yên Bái, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 400/451 cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc” (đạt gần 89%). Hơn 80% cơ sở giáo dục đạt tiêu chí "Trường xanh” và khoảng 53% cơ sở giáo dục đạt tiêu chí "Trường học chuyển đổi số”.
Toàn tỉnh có 342 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia (chiếm 77,4%), trong đó có 94 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tăng 36 trường so với năm học trước. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, đến nay tỷ lệ kiên cố đạt 88%.
Vì một Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở tỉnh miền núi này đang vươn mình tiến những bước nhanh, vững chắc, nỗ lực tiếp cận với các tỉnh miền xuôi trong sự nghiệp trồng người.
Viết bình luận