Trước đây, mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên ông Hoàng Trọng Vinh làm là đi tìm rượu để uống. Ông Vinh (59 tuổi, ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) thường hay uống chén này sang chén khác, cả ngày chìm trong men rượu. Cũng vì “con ma rượu" mà sức khỏe của ông sa sút, bỏ vườn, bỏ rẫy không chịu làm ăn. Cuộc sống gia đình ông cũng vì thế mà lâm cảnh khó khăn, đói nghèo dai dẳng, ông Vinh trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Sau đó, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản cùng với cán bộ Bộ đội Biên phòng thường xuyên đến nhà để vận động, giúp đỡ ông Vinh cai rượu. Với một người nghiện rượu nặng như ông Vinh, việc từ bỏ hẳn là rất khó. Một thời gian dài kiên trì, ông Vinh đã bỏ được rượu. Chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng cũng hỗ trợ sinh kế để ông chăn nuôi, trồng trọt. Ông Hoàng Trọng Vinh nói rằng, cuộc đời ông còn nghiện rượu là còn khổ, “con ma men” nó đeo bám không chỉ làm mình ông khổ mà cả gia đình khổ theo.
“Cuộc sống uống rượu thì cực lắm. Sáng sớm ra tìm rượu uống là say rồi. Từ khi tôi bỏ được rượu tới giờ là khỏe hẳn. Từ khi tôi bỏ rượu xong, sáng sớm dậy nấu rau cháo cho heo ăn, soạn sửa nhà cửa. Trên nương thì bây giờ cũng trồng cây keo, cây lớn rồi, thỉnh thoảng lên rừng chăm sóc cây rồi về”. - ông Hoàng Trọng Vinh |
Từ xưa đến nay, nạn say xỉn đã làm cái đói, cái nghèo của đồng bào vùng dân tộc thiểu số thêm phần dai dẳng.
Để chấm dứt tình trạng này, Chi bộ bản Mò O Ô Ồ xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đã đưa nội dung đảng viên bỏ rượu bia và tuyên truyền dân bản bỏ rượu bia vào Nghị quyết để dần dần đuổi “con ma rượu" ra khỏi bản.
Ông Cao Xuân Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, ông Hoàng Trọng Vinh là trường hợp rất đặc biệt, nghiện rượu rất nặng nhưng mọi người đã vận động ông bỏ được rượu. Bỏ rượu xong ông Vinh chăm lo làm kinh tế, giờ đã có của ăn của để. Đây cũng là điển hình để Chi bộ, chính quyền địa phương nêu ra trong việc tuyên truyền cho dân bản việc bỏ rượu bia, không say xỉn, chú tâm làm ăn.
Bây giờ, không chỉ gia đình ông Vinh mà nhiều hộ dân ở bản đã "nói không với vấn nạn say xỉn", mạnh dạn vay vốn trồng rừng, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình, mang lại thu nhập khá ổn định. Theo ông Cao Xuân Long, sau này, già làng, trưởng bản, cấp ủy cùng với Bộ đội biên phòng sẽ họp bàn, lấy ý kiến dân bản để lập ra hương ước với quyết tâm đuổi “con ma rượu" ra khỏi bản.
“Cấp ủy, chi bộ cũng đã bàn bạc, thống nhất, đưa ra chi bộ thì 100% các đồng chí đảng viên giơ tay biểu quyết hạn chế uống rượu bia, đặc biệt không uống vào buổi sáng”. - ông Cao Xuân Long |
Những năm qua, Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cùng với các già làng, trưởng bản và người có uy tín đã thuyết phục được đồng bào bỏ rượu.
Không chỉ tuyên truyền, vận động suông mà khi người dân bỏ rượu rồi, Bộ đội còn giúp xây dựng các mô hình sinh kế như nuôi lợn, nuôi gà, trồng lúa nước, trồng rừng để phát triển kinh tế. Dần dần, nếp nghĩ và cách làm của người Rục có nhiều đổi mới, không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bản làng của người Rục đã hình thành nên ruộng lúa nước Rục Làn, bà con làm chủ canh tác được 5,3ha lúa nước, 4,7ha ngô. Không chỉ đủ ăn mà nhiều gia đình còn có tích lũy, nhiều hộ đã làm đơn tự nguyện thoát khỏi hộ nghèo. Đến nay, toàn bản Mò O Ồ Ồ có hơn 40 hộ gia đình thoát nghèo. Đại uý Võ Huy Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, người Rục dần từ bỏ các thói quen xấu, từng bước hòa nhập công đồng, chủ động được lương thực tại chỗ sau mỗi vụ mùa. Đời sống vật chất, tinh thần của dân bản được nâng lên, bà con người Rục tự hào đã nuôi dạy con em đỗ đại học, cao đẳng./.
Viết bình luận