Hiệu quả hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo ở Gia Lai bằng bò sinh sản
Thứ sáu, 13:37, 29/11/2024 Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang mang lại những kết quả tích cực. Cùng với củng cố cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo ở huyện cũng đang phát huy hiệu quả, giúp bà con ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Chị Ksor H’Pep, 32 tuổi, ở thôn Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Chồng đi làm ăn xa, chị H’Pep cùng 3 con nhỏ phải vật lộn mưu sinh. Trong đó, con gái lớn của chị bị mắc hội chứng bệnh Down. Năm 2022, gia đình chị được chính quyền hỗ trợ tặng một bò cái sinh sản để tạo sinh kế. Đến nay bò mẹ đã sinh được 1 bê con, chị H’Pep coi đó là động lực để bản thân phấn đấu thoát nghèo. 

“Gia đình chúng tôi thuộc diện hộ nghèo nên được chính quyền hỗ trợ cho con bò nuôi sinh sản, mặc dù cuộc sống gia đình vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng chăm để con bò nhanh sinh sản. Được sự quan tâm hỗ trợ như vậy cũng tạo động lực để chúng tôi vươn lên phát triển kinh tế, có thêm nguồn thu nhập để lo cho con cái”, Chị Ksor H’Pep chia sẻ.

Ông Ksor Bluynh, trưởng thôn Blôm, cho biết thôn có 517 hộ với gần 3.000 khẩu. Giai đoạn 2021 -2024, nhờ chính sách hỗ trợ từ chương trình MTQG, 31 hộ trong thôn đã được hỗ trợ bò sinh sản. Ông Ksor Bluynh trực tiếp hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo cách chăm sóc bò và luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm nghèo bền vững đối với bà con trong làng. Sau 3 năm, hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong thôn từ 30 hộ nay đã giảm  một nửa.

“Trong thời gian gần đây được sự quan tâm giúp đỡ từ chính quyền điạ phương, cụ thể là từ chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo. Khi đó thì bà con được hỗ trợ cho con bò, bê nuôi sinh sản. Từ những vật nuôi này thì bà con có điều kiện để cải thiện kinh tế gia đình, cố gắng chăm để vật nuôi sinh sản, để dần dần từ đó kinh tế phát triển hơn, cho đến hiện tại có thêm nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo”, ông Ksor Bluynh cho biết thêm.

Anh Siu Thức, 36 tuổi, ở thôn Plei Du, xã Chư Răng, huyện Ia Pa cũng là hộ gia đình nghèo, không có đất sản xuất, quanh năm chỉ có thu nhập từ việc đi làm thuê. Đầu năm 2024, gia đình anh được hỗ trợ một bò mẹ sinh sản. Anh Siu Thức chia sẻ, những năm qua, gia đình  luôn thiếu thốn, cuộc sống còn nhiều vất vả. Thế nên, khi nhận được bò giống sinh sản, anh và gia đình vui mừng vì đây là món quà rất lớn để gia đình cải thiện thu nhập, từng bước vượt qua khó khăn.

“Tôi cảm thấy rất vui vì được sự quan tâm giúp đỡ từ nhà nước đối với các hộ nghèo, chúng tôi được hỗ trợ bò nuôi sinh sản, xây nhà mới nên chúng tôi rất là biết ơn, đây cũng là nguồn động lực để thúc đẩy gia đình làm ăn phát triển kinh tế, làm sao để cuộc sống gia đình ổn định hơn so với trước đây”, anh Thức nói.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Chư Răng cho biết, xã có 2 thôn dân tộc thiểu số khó khăn. Nhờ các chính sách hỗ trợ, xã đã thực hiện tốt việc giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ trên 20% (năm 2021) xuống dưới 13% ở thời điểm hiện tại.

“Trong thời gian gần đây 3 chương trình mục tiêu quốc gia có tác động rất lớn, ngoài tạo điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông, quan trọng nhất là hỗ trợ từ các nguồn tạo thêm việc làm cho bà con nhân dân, giải quyết việc làm, giải quyết sinh kế, hỗ trợ con giống vật nuôi. Giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo thì ý chí của bà con nhân dân, tự vươn lên mới là thoát nghèo bền vững”, ông Thành cho biết thêm.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Ia Pa đã triển khai nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế với tổng kinh phí lên tới 9,4 tỷ đồng.  Sự quan tâm của Nhà nước cùng nỗ lực của người dân đã và đang mang lại những kết quả tích cực.

“Huyện Ia Pa là một huyện thuần nông, UBND huyện đã bám sát tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với phong tục, tập quán của nhân dân để ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế trước khi cấp cho người dân, ngành chuyên môn cũng tiến hành tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh, đảm bảo phù hợp với quá trình nuôi của từng hộ gia đình”, ông Ksor Suy, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai nói./.

Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC