Thời điểm này, đến với những xã vùng sâu, vùng xa Đạ Sar, Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, không khó để gặp những vườn atiso tươi tốt trải dài trên triền dốc của bà con dân tộc thiểu số. Các hộ dân nơi đây thoát nghèo từ trồng dược liệu bán cho Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar.
Chị Liêng Jrang K’Sáu, thôn 6, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng trước đây vẫn quen với việc trồng cà phê và các loại rau màu ngắn ngày như đậu Nhật, súp lơ. Được sự hỗ trợ và khuyến khích của chính quyền địa phương, gia đình chị đã tham gia Tổ hợp tác sản xuất atiso và mạnh dạn chuyển hơn 3 sào đất sản xuất sang trồng thử nghiệm. Ban đầu, gia đình có nhiều lo lắng nhưng được sự hỗ trợ hoàn toàn về nguồn giống chất lượng, phân bón và kỹ thuật canh tác, sau 4 tháng kể từ khi xuống giống, chị đã có thể thu được hơn 10 triệu đồng.
“Quy trình trồng sử dụng phân vi sinh, phân bò, không dùng phân cá vào cây atiso. Tại vì cây này cho thu lá, chế để uống trà và làm thuốc nên không dùng thuốc. Công ty ghi danh mục thuốc là phải tuân theo”. - Chị Liêng Jrang K’Sáu cho biết.
Thời gian qua, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở xã Đạ Sar, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã thoát nghèo nhờ trồng atisô, liên kết trực tiếp với doanh nghiệp. Bà con thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng cà phê già cỗi, dịch bệnh sang trồng atisô. Sau 4 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch lá và được công ty bao tiêu thu mua toàn bộ. Hàng tuần, nhóm nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp đều ra tận cánh đồng cùng bà con kiểm tra cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đồng thời, bà con được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch.
Đến nay, toàn huyện Lạc Dương phát triển 3 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chủ yếu sản phẩm dược liệu atiso. Đó là chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ atiso tại 2 xã Đạ Sar, Đạ Nhim giữa Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) với 10 hộ trồng 5 ha; Công ty TNHH Vĩnh Tiến với 40 hộ trồng 4 ha; Công ty TNHH Trà Ngọc Duy với 20 hộ trồng 2 ha.
Ông Sử Thanh Hoài, Bí thư Huyện ủy Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Đây là loại cây rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, canh tác của bà con hiện nay, chúng tôi đang có kế hoạch nhân rộng. Có thể nói, như vậy sẽ giải quyết được rất nhiều công việc người dân. Doanh nghiệp quản trị quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đấy cũng là một hướng đi mà huyện Lạc Dương hướng tới nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân và người tiêu dùng".
Cùng với việc áp dụng quy trình trồng theo quy chuẩn, việc liên kết sản xuất ngày càng được mở rộng để đảm bảo ổn định đầu ra cho người trồng cũng như chất lượng đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến cũng rất quan trọng.
Theo ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp va Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2030 là tập trung gắn sản xuất với tiêu thụ cho sản phẩm atiso nói riêng và các loại cây dược liệu tiềm năng trên địa bàn nói chung. Tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho năng suất, chất lượng cao trong sản xuất, chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu trồng đến sản xuất, khai thác chế biến, sử dụng các sản phẩm dược liệu; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, mã số vùng trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia, quốc tế trên thị trường nội tiêu và xuất khẩu.
“Ngoài chuyện quảng bá, quản lý, sử dụng, công tác triển khai quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng được đặc biệt quan tâm. Thế nên, chúng tôi cũng có kế hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để triển khai quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu". - Ông Hoàng Sỹ Bích cho biết thêm.
Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, giá trị kinh tế đem lại từ việc trồng cây dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác. Ở nhiều xã, cây dược liệu atiso không những đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo mà còn đang giúp nhiều gia đình tại Lâm Đồng có thu nhập khá, vươn lên làm giàu.
Viết bình luận