Lạng Sơn: Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học biên giới
Thứ hai, 15:43, 20/11/2023 Nguyễn Hoàng Duy Thái/VOV Đông Bắc Nguyễn Hoàng Duy Thái/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Tỉnh Lạng Sơn có khoảng 80% diện tích là đồi núi và hơn 230km đường biên giới, điều kiện phát triển giáo dục còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, ngành giáo dục địa phương đã ưu tiên các nguồn lực xây dựng và trang thiết bị trường học tại các huyện biên giới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Trường Mầm non xã biên giới Thanh Long, huyện Văn Lãng được khởi công xây dựng với kinh phí gần 8 tỷ đồng từ ngân sách đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để đưa vào sử dụng với 8 phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ.

Ngoài ra, huyện còn dành nguồn kinh phí tu bổ, sữa chữa nhiều trường, điểm trường cấp tiểu học, THCS trên địa bàn. 

Bà Hoàng Kim Theo, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thanh Long cho biết: “Trường đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như lớp học, nhà bếp, nhà nghỉ cho học sinh… Những công trình này góp phần giúp nhà trường đạt kết quả tốt hơn về chất lượng giảng dạy, góp phần đạt mục tiêu xây dựng NTM, giúp trường đạt chuẩn quốc gia. Cũng giúp các em học sinh, đặc biệt học sinh nghèo, khó khăn, biên giới đỡ thiệt thòi, được tiếp cận chương trình giáo dục 1 cách tốt nhất”.

Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã biên giới Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, học sinh tại đây đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhà trường chưa có nhà bán trú cho học sinh cho nên thường xuyên xảy ra tình trạng học sinh bỏ học.

Thực hiện Dự án Chương trình giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư cơ sở vật chất cho ngôi trường này. Theo cô giáo Vy Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Thanh Lòa, nhiều công trình được xây mới như phòng bán trú, phòng thư viện, phòng đọc, phòng bộ môn Vật lý kèm phòng thí nghiệm, nhà bếp...  đã giúp công tác dạy và học dần đi vào nề nếp, giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, cha mẹ học sinh yên tâm, tin tưởng hơn khi đưa con đến trường.

“Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi nhận được dự án đầu tư đối với đơn vị trường. Kể từ khi được đưa vào sử dụng, chất lượng đời sống của học sinh bán trú được nâng cao. Các em rất hào hứng khi đến trường, chất lượng học tập của các con cũng được nâng lên. Trước khi có dự án, chúng tôi vẫn còn học sinh bỏ học. Tuy nhiên sau khi có thì tỷ lệ duy trì sĩ số hằng năm là 100% và đặc biệt là đối với những học sinh tốt nghiệp sau THCS, các con đã đăng ký thi tuyển sinh vào THPT với số lượng rất cao". - Cô giáo Vy Thị Hằng nói.

Ðối với giáo dục vùng khó khăn, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng với việc linh hoạt sử dụng các nguồn vốn, tỉnh Lạng Sơn có 8 trường cấp THCS vừa được đầu tư với tổng kinh phí gần 38 tỷ. Trong đó hỗ trợ xây mới nhiều phòng học, phòng học bộ môn, phòng thư viện, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên, nhà bếp;... giúp thầy và trò ở các xã vùng cao bớt phần khó khăn, vất vả. 

“Bây giờ cháu đến trường cảm thấy rất vui vẻ, có trường lớp, có bếp ăn sạch sẽ, có cả khu vui chơi và thư viện, có khu bán trú để ăn trưa và ăn tối với những bạn ở xa không về được, giúp chúng cháu học dễ dàng hơn”. - Vy Minh Hằng, thôn Nà Làn, xã Thanh Lòa đang theo học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Thanh Lòa chia sẻ.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Lạng Sơn có 670 trường học. Trong đó hệ thống trường chuyên biệt được củng cố và mở rộng với 108 trường, gồm 97 trường phổ thông dân tộc bán trú, 11 trường phổ thông dân tộc nội trú.

Theo ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Lạng Sơn, các công trình hoàn thành đã bổ sung nhiều hạng mục quan trọng cho đơn vị thụ hưởng như phòng học, phòng ở bán trú... góp phần cải thiện điều kiện dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

"Những hạng mục này cũng tăng cường các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp cho học sinh DTTS khó khăn được học tập 2 buổi trên ngày với điều kiện đảm bảo, giảm được tỉ lệ học sinh bỏ học do các em không phải đi lại nhiều lần trong ngày và giúp cho gia đình yên tâm tập trung lao động sản xuất, thêm niềm tin vào Đảng, vào chính quyền các cấp". - Ông Hoàng Quốc Tuấn khẳng định.

"Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Việc tỉnh Lạng Sơn ưu tiên tạo điều kiện đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại những ngôi trường ở vùng khó khăn, vùng biên giới không chỉ giúp giáo viên và học sinh có điều kiện dạy tốt, học tốt mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển.

Nguyễn Hoàng Duy Thái/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC