Nan giải cấp đất sản xuất giúp người nghèo ở Gia Lai
Thứ sáu, 09:25, 25/10/2024 Nguyễn Thảo Nguyễn Thảo
VOV4 - Dù đã nhận được hỗ trợ từ các chương trình và dự án giảm nghèo bền vững, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai vẫn gặp khó khăn trong việc thoát nghèo hoặc dễ tái nghèo do thiếu đất sản xuất. Đây là bài toán nan giải trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Tại làng H'Bel, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, gia đình bà Kpă H’Mrat (sinh năm 1974) là hộ nghèo lâu năm và có rất ít khả năng thoát nghèo. Gia đình 8 người nhưng không có đất sản xuất. Lao động nam duy nhất là người chồng thì ốm đau liên miên. Gánh nặng kinh tế đè lên vai người vợ và cô con gái lớn. Bà H’Mrat cho biết, dù nhận được nhiều hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước và cộng đồng, nhưng gia đình chưa biết cách nào để thoát nghèo:

"Gia đình tôi rất khó khăn, con cái đông và nhỏ.  Tôi thường xuyên đi làm thuê để trang trải. Không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, có lúc con cái đau ốm mà chúng tôi còn không đủ tiền mua thuốc nên rất khó khăn." - Bà H’Mrat nói.

 Nếu như xã Chư Mố có 34 hộ người Jarai nghèo như gia đình bà H'Mrát, thì tại xã Pờ Tó, cùng huyện Ia Pa, tình trạng thiếu đất sản xuất, dẫn tới khó thoát nghèo còn nan giải hơn. Trong 6 thôn người dân tộc thiểu số có tới 214 hộ nghèo, phần lớn là do không đủ đất sản xuất, điều này khiến hiệu quả của các chương trình giảm nghèo ở Pờ Tó chưa cao.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Pờ Tó, cho biết: “Thoát nghèo bền vững thì cũng phải tiến hành trong thời gian dài chứ không thể nào ngày một, ngày hai được. Đặc biệt là các hộ dân ở thôn Bi Giông, Bi Gia thì tình trạng thiếu đất sản xuất rất là nhiều. Muốn phát triển kinh tế được, muốn thoát nghèo được thì phải có tư liệu sản xuất, đất đai. Còn hàng ngày mà chỉ để trông chờ vào mùa màng, làm một vài ngày công thì rất khó. Hiện nay bà con ở đây khó khăn về mọi mặt. Mặc dù đã kết hợp các nguồn lực trong các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho bà con về nhà ở, sinh kế”.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai còn hơn 31.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ 8,11%. Trong đó, phần lớn số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Riêng huyện Ia Pa có hơn 2.174 hộ nghèo, tỷ lệ 15,26%. Nhiều hộ khó có điều kiện để thoát nghèo do không đủ đất sản xuất. 

Thời gian qua, huyện Ia Pa đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con không bán đất sản xuất. Đồng thời, do quỹ đất không còn, huyện kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai thu hồi diện tích đất của các doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả, sau đó giao về địa phương để bố trí đất cho dân. Hiện giải pháp trước mắt là tập trung kêu gọi đầu tư nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại địa phương.

Ông Ksor Suy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, cho biết: "Thời gian qua huyện kêu gọi các nhà đầu tư, đặc biệt xây dựng các nhà máy chế biến nông sản để tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho người dân. Từ đó giúp người dân có thu nhập ổn định, tăng thu nhập, xóa hộ nghèo bền vững, hiệu quả. Quy hoạch vùng, khu công nghiệp; tuyên truyền người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương để tạo mặt bằng, ổn định an ninh chính trị.”

Nguyễn Thảo

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC