Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số
Thứ tư, 15:01, 26/10/2022 VOV Đông Bắc VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số là việc mà Lạng Sơn đang tập trung thực hiện để khắc phục tình trạng bất đồng ngôn ngữ trong cán bộ, công chức ở địa phương

 

Đều đặn 2 buổi tối hàng tuần, chị Hoàng Thị Thêm (người Tày, công tác tại Phòng dân tộc, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Lạng Sơn) lại thu xếp công việc gia đình để tới lớp dạy tiếng Tày cho cán bộ công chức, viên chức. Việc bổ sung khả năng nghe, nói và hiểu ngôn ngữ Tày giúp chị thêm tự tin hơn khi biên tập, đọc dịch những bản tin, cũng như thêm hiểu và gần gũi hơn với đồng bào khi đi công tác tại cơ sở.

Chị Hoàng Thị Thêm chia sẻ: Cá nhân tôi thấy khóa học này rất là bổ ích cho bản thân. Các giáo viên giảng dạy rất nhiệt tình, những kiến thức cơ bản sát với thực tế cho học viên, dễ hiểu, giúp ích rất nhiều cho học viên trong công tác.

Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 12 cơ sở giáo dục tổ chức các lớp học tiếng DTTS (chủ yếu là tiếng Tày, Nùng). Trong các khóa học, học viên được tiếp cận ngôn ngữ theo các chủ đề, được làm quen với các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, đa nghĩa; làm quen với các mẫu câu... và đặc biệt là tìm hiểu về văn hóa truyền thống, phong tục của đồng bào để có thể vận dụng trong sinh hoạt và thực tiễn công tác.

Để nâng cao hiệu quả các lớp dạy và học tiếng DTTS, Trung tâm vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động của học viên, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện trực quan nghe nhìn và khuyến khích học viên kết hợp việc học trên lớp với thực hành giao tiếp trong đời sống...

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc cho biết: Trung tâm thường xuyên tổ chức cho học viên đi thực tế để tiếp xúc với đồng bào dân tộc, phát triển kĩ năng giao tiếp và tìm hiểu văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc tại Lạng Sơn. Nội dung thực tế thường là thực hành giao tiếp với đồng bào, tìm hiểu về việc ứng dụng khoa học kĩ thuật, đời sống, lao động sản xuất của địa phương. Cùng với đó là thăm một số mô hình kinh tế giỏi của các hộ dân, tham quan một số di tích di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương.

Tỉnh Lạng Sơn có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó phần lớn là người Nùng, Tày và Kinh. Thực tế cho thấy, việc được học tiếng DTTS đã giúp những cán bộ, công chức đang công tác trong vùng đồng bào DTTS thuận lợi hơn trong công việc và cuộc sống. Từ năm 2016 đến nay, các trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh tổ chức được hơn 200 lớp tiếng học tiếng dân tộc Tày, Nùng với khoảng 8.000 học viên đã được cấp chứng chỉ.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết: Việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số đã nhận được sự quan tâm của đội ngũ cán bộ chiến sĩ, công chức viên chức trên địa bàn khi rất nhiều người đã đăng ký để tham gia các khóa học. Việc học tiếng dân tộc thiểu số giúp các học viên sử dụng được tiếng dân tộc trong giao tiếp và công việc, đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp. Nhờ hiểu tiếng nói, văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào thiểu số, các cán bộ thuận lợi hơn khi công tác tại địa phương, đồng thời những khóa học cũng góp phần vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) là một chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS, giúp những thế hệ con em người DTTS tăng cường ý thức tộc người, tạo niềm tự hào, tự tin để hòa nhập trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Với đội ngũ cán bộ đang công tác tại vùng đồng bào DTTS, hiểu và sử dụng được ngôn ngữ của bà con sẽ giúp làm tốt hơn việc chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc./.

 

Duy Thái/VOV Đông Bắc

 

VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC