Người Chăm phổ biến pháp luật tại thánh đường
Thứ ba, 00:00, 28/02/2017

(VOV) - Thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo tại thánh đường, bà con Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu về chính sách, pháp luật, để từ đó cùng chung tay, chung sức với chính quyền phát triển kinh tế gia đình, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội tại địa phương.

 

Thánh đường Masjid Anwar phường 1, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm tín đồ Hồi giáo ở khu vực này tập trung về đây để nghe ông Na-íp (Phó giáo cả) thuyết giảng về kinh Coran, các lễ nghi và giáo lý của đạo Hồi. Sau đó, bà con nghe ông Giáo cả Haji Kim Sô phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

 

Anh Mách Aly, ở phường 1, cho biết: "Công an cũng thường xuống đây tuyên truyền cho bà con về đường lối, chính sách và pháp luật. Bà con biết cái nào đúng, cái nào sai. Nhờ đó mà an ninh trật tự địa bàn này được giữ vững".

 

Tuyên truyền pháp luật cho bà con người Chăm

 

Ông Haji Kim Sô cho biết mặt bằng dân trí của nhiều người Chăm nơi đây còn thấp, đồi sống của bà con còn khó khăn. Lợi dụng vấn đề này, kẻ xấu thường hay tìm đến dụ dỗ và lôi kéo bà con tham gia vào những việc làm phi pháp. Gần đây nhất là sự cố Formosa làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung. Kẻ xấu đã tìm đến các thanh niên Chăm, những người đi làm phụ hồ, cho tiền khoảng 300, 400 ngàn đồng để tham gia vào đoàn đi biểu tình. Khi phát hiện vấn đề này, ông giáo cả cùng với các thành viên trong Ban Quản trị thánh đường Anwar đã đến tận nhà để giải thích cho bà con cái đúng cái sai.

Đồng bào Chăm Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 7.000 người, sống ở 16 khu vực, tập trung đông nhất ở quận 8, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 6…  Anh Arafat, Phó Ban Quản trị thánh đường Nurul Islam, phường 17, quận Bình Thạnh, cho biết bà con sống rất đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do địa phương phát động.

 

Bà con Chăm tham gia ngày càng nhiều vào công tác đoàn thể như: anh Du Sô làm Tổ trưởng tổ 66, khu phố 4, phường 17; chị Salimah là Tổ trưởng tổ 60, khu phố 4, phường 17; em Sakina là Bí thư Đoàn phường 17, quận Bình Thạnh… Những nhân tố này là cầu nối giữa cộng đồng người Chăm với chính quyền.

Những vị trong các Ban Quản trị thánh đường là những nhân tố tích cực trong công tác vận động tín đồ tuân thủ pháp luật, sống tốt đời đẹp đạo.

Để thắt chặt tình đoàn kết giữa các tôn giáo, mỗi năm, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và các cấp chính quyền tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ, giao lưu và hoạt động văn hóa cộng đồng. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc có điều kiện tiếp xúc, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của mình cho sự phát triển chung của thành phố.

 



Thụy Sĩ/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC