Người có uy tín góp sức giảm nghèo, bài trừ hủ tục ở Đắk Glong
Thứ ba, 09:58, 14/11/2023 Báo Đăk Nông Báo Đăk Nông
VOV4.VOV.VN - Già làng, trưởng bản, người uy tín có vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Đắk Glong, Đắk Nông. Nhờ họ, nhiều chủ trương, chính sách đã được triển khai hiệu quả, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo và bài trừ hủ tục.

 

Hai năm qua, kể từ ngày nghỉ hưu, ông K’Lớ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắk P’lao được người dân bon B’Tong tín nhiệm bầu làm người uy tín. Trong suốt thời gian này, ông K’Lớ đã phát huy vai trò, vận động Nhân dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết, tương thân, tương ái…

Ông K’Lớ cho biết, được bà con tín nhiệm bầu là người uy tín, đó là niềm vinh hạnh của ông và cả gia đình. Đảm nhận vai trò, ông luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với người dân trong bon, bởi người uy tín không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế mà còn phải là tuyên truyền viên tích cực, hỗ trợ người dân làm ăn, sản xuất và xây dựng bon làng phát triển.

"Xã Đắk P'lao là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc, trong đó chiếm đa số là người Mạ và người Mông. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, nhiều khu đất đai kém màu mỡ nên sản xuất nông nghiệp của bà con vẫn còn manh mún, hiệu quả thấp. Từ kinh nghiệm đúc rút từ quá trình công tác, đồng thời thường xuyên tìm hiểu trên sách báo, tôi chủ động chia sẻ với bà con, nhất là những hộ nghèo trong bon để người dân có thêm kiến thức trồng trọt, chăn nuôi”. Ông K’Lớ cho hay.

Tương tự, ông K’Brê, xã Đắk Som, Đắk Glong cũng là một trong số những người uy tín của bon B'Srê A. Là cộng tác viên dân số của bon, ông K’Brê trở thành một tuyên truyền viên tích cực đưa các chính sách dân số và bình đẳng giới đến với người dân. Phát huy vai trò của người uy tín, ông còn vận động người dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, tập trung làm ăn để bon làng phát triển.

Ông K’Brê chia sẻ: “Điều đáng mừng là người dân tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, diện mạo của bon B’Srê A đã có nhiều thay đổi, đường sá trong bon được mở rộng, kiên cố, các cháu nhỏ được đến trường và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện đáng kể”.

Hiện nay, một số cộng đồng dân tộc thuộc huyện Đắk Glong vẫn giữ nhiều hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế- xã hội chung của toàn huyện. Trong số này có thể kể đến như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nhiều con, di cư tự do hoặc tổ chức tang ma, đám cưới nhiều ngày gây tốn kém và tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh trật tự…

Để từng bước xóa bỏ những hủ tục, nâng cao chất lượng đời sống người dân, chính quyền các cấp huyện Đắk Glong đã phát huy vai trò của người uy tín, trưởng bản, già làng… nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Anh Giàng A Sì, Trưởng thôn 5, xã Đắk P'lao, Đắk Glong cho hay: “Chính quyền địa phương và những người có uy tín trong thôn hỗ trợ bà con vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ăn, ở, sinh hoạt, ma chay, cưới hỏi. Bản thân tôi xác định mình phải đi đầu, làm gương cho bà con nên đều nhắc nhở các con làm ăn chân chính, tự lập để có cơ hội thoát nghèo”.

Chị Hoàng Thị Mỵ, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong đánh giá, toàn huyện Ðắk Glong hiện có 52 người uy tín là già làng, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu. Trong thời gian qua, người uy tín của huyện Đắk Glong luôn gương mẫu, tích cực vận động người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Báo Đăk Nông

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC